Giá USD tự do và ngân hàng đồng loạt tăng
Giá USD ở các ngân hàng và trên thị trường tự do tiếp tục đi lên trong bối cảnh đồng bạc xanh ngày càng mạnh lên ở thị trường quốc tế.
Ngày 15-7, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.225 đồng/USD, tăng 24 đồng/USD so với hôm qua.
Đây là mức tăng khá mạnh của tỉ giá trung tâm trong những ngày qua.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được điều chỉnh theo hướng tăng, như Eximbank niêm yết giá USD mua vào 23.340 đồng/USD, bán ra 23.540 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với cuối ngày hôm qua. Chỉ trong buổi sáng, Eximbank đã thay đổi tới 16 lần bảng niêm yết giá giao dịch đồng USD.
Vietcombank niêm yết giá USD ở mức cao hơn, quanh 23.300 đồng/USD mua vào, 23.580 đồng/USD bán ra, tăng 35 đồng/USD so với hôm qua.
Giá USD trong ngân hàng và trên thị trường tự do tiếp tục tăng
Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá mua - bán đồng USD cũng được các ngân hàng đẩy lên mức khá cao, gần 300 đồng/USD thay vì mức chênh lệch chỉ 50-100 đồng/USD trước đây.
Không chỉ giá USD trong ngân hàng thương mại nhích lên, giá USD tự do cũng được điều chỉnh tăng tiếp.
Đến 11 giờ, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM giao dịch đồng USD mua vào 24.380 đồng/USD, bán ra 24.520 đồng/USD, tăng tiếp 60 đồng mỗi USD.
Trong vòng vài ngày qua, mỗi USD trên thị trường tự do đã tăng thêm khoảng 300-400 đồng/USD.
Diễn biến tăng mạnh của đồng USD cũng khiến tương quan với đồng Euro có sự thay đổi. Trong khi ở chiều bán ra, các ngân hàng thương mại đang niêm yết giá đồng Euro cao hơn USD, ở mức 24.198 đồng/USD, thì ở chiều mua vào đồng Euro lại được thu mua rẻ hơn USD ở mức 23.147 đồng/USD.
Theo một số điểm thu đổi ngoại tệ, giá USD tăng liên tục đã kích thích nhu cầu bán USD từ người dân, trong khi nhu cầu mua vào đồng đô la Úc (AUD), đồng Euro… lại cao hơn khi giá giảm sâu.
Đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế và duy trì ở mức cao nhất trong khoảng 20 năm qua đã tác động, gây sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ. Một số công ty chứng khoán dự báo VNĐ có thể mất giá từ 2-2,5% trong cả năm nay.
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định tỉ giá có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu do đồng USD lên giá, đặc biệt là kể từ tháng 5-2022 khi Fed liên tiếp nâng lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, dự báo tỉ giá trong nửa cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát (cả năm tăng khoảng 2,5%). Cụ thể, cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực khi cán cân thương mại dự báo thặng dư 4-8 tỉ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào, trên 100 tỉ USD... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tỉ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.