Giá đất tăng, lo gánh nặng tiền sử dụng đất
Bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM dự kiến áp dụng từ ngày 1.8 tăng mạnh giúp giá đất sát thị trường, nhưng cũng gây không ít băn khoăn.
Nhiều tác động khi tăng giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM đang lấy ý kiến dự thảo về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 về bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, giá đất ở tại một số quận, huyện dự kiến sẽ tăng cao.
Theo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất ở đô thị cao nhất của TPHCM là 810 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… Một số tuyến đường lân cận khu vực trung tâm cũng được điều chỉnh tăng mạnh.
Thông tin trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những tác động của việc tăng giá đất đối với người dân TP HCM.
Về mặt tích cực, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, bảng giá đất tăng sẽ có lợi cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông, dự án đầu tư công… khi đó giá trị được bồi thường người dân nhận được sẽ cao hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, về những tác động không mong muốn, việc tăng giá đất sẽ ảnh hưởng đến hơn 13.000 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cũng như nhiều trường hợp đất nông nghiệp đang được sử dụng trong các khu dân cư ổn định tại TPHCM.
Chủ tịch HoREA phân tích: “Việc tăng giá đất sẽ gây gánh nặng tài chính cho các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu hợp pháp hóa quyền sử dụng đất. Hiện TPHCM có hơn 13.000 thửa đất chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều diện tích đất của các cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng trong đô thị mà đang được ghi là đất nông nghiệp, nhưng thực ra đó là đất của khu dân cư ổn định. Những trường hợp này cũng phải nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất và sẽ phải chịu gánh nặng tài chính rất lớn”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phương Đông Group cho rằng, đối với các thửa đất của người dân mà chưa nộp tiền sử dụng đất, mức đóng tiền sử dụng đất chắc chắn sẽ bị áp dụng luôn bảng giá đất mới, nếu giá đất tăng mạnh như dự kiến sẽ là một gánh nặng tài chính rất lớn đối với các cá nhân, hộ gia đình này”.
Cần cân nhắc thận trọng
Vì vậy, nếu bảng giá đất mới được áp dụng từ 1.8 như dự kiến, ông Châu kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng được nợ tiền sử dụng đất, bao gồm cả những người có thu nhập trung bình và những người có nhu cầu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng chính sách và người nghèo ở đô thị được phép nợ tiền sử dụng đất.
Theo ông Châu: “Những người có thu nhập trung bình cũng chưa chắc chạy nổi số tiền lớn này để nộp tiền sử dụng đất. Nhất là khi nhà của họ chỉ dùng để ở mà không thể mua bán, không thể làm cửa hàng, cửa hiệu gì mà phải đóng một số tiền lớn thì nhiều khi ngoài khả năng tài chính của họ. Vì vậy, nên mở rộng đối tượng được nợ tiền sử dụng đất, đó là những người có nhu cầu xin được nợ tiền sử dụng đất”.
Bởi vì khi nợ tiền sử dụng đất sẽ bị hạn chế một số quyền của người sử dụng đất như không thể thế chấp, mua bán, chuyển nhượng được, nếu muốn mua bán, chuyển nhượng thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đó.
Ngoài ra, khi giá đất tăng mạnh, dẫn đến các chi phí đầu vào tăng thì giá nhà đất sẽ tăng cao. Người dân có thu nhập thấp nếu muốn mua, thuê nhà ở sẽ càng trở nên khó khăn.
“Vì vậy, tôi rất mong Thành phố sẽ cân nhắc thật thận trọng trong việc áp dụng bảng giá đất mới, cần xem xét những tác động từ nhiều chiều để trước khi ban hành bảng giá đất này”, ông Châu nói.