EU nỗ lực chống "bão" giá năng lượng
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4-9 đã công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỉ euro (64,7 tỉ USD) để giúp người dân bù đắp chi phí năng lượng ngày một leo thang.
Theo đài Al-Jazeera và báo The Guardian (Anh), gói trên bao gồm khoản hỗ trợ một lần trị giá 300 euro cho người lao động và người đang hưởng lương hưu, 200 euro cho sinh viên và mỗi gia đình được nhận 100 euro cho mỗi trẻ em (con số này tăng gấp đôi đối với hộ gia đình có thu nhập thấp).
Ngoài ra, Thủ tướng Scholz cáo buộc các nhà sản xuất điện thu lợi quá mức trong khủng hoảng năng lượng, do đó sẽ bị áp thuế windfall - khoản thuế đánh trên phần lợi nhuận gia tăng bất thường. Tiền thuế thu thêm sẽ được dùng để giảm giá khí đốt, than đá và dầu mỏ cho người tiêu dùng.
Chính phủ Đức đã lên kế hoạch ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga từ tháng 12 tới và bằng các biện pháp nói trên, Thủ tướng Scholz khẳng định nước Đức sẽ vượt qua mùa đông sắp đến.
Thủ tướng Đức OIaf Scholz đứng cạnh một tua-bin khí được vận chuyển đến trạm nén của đường ống dẫn khí Nord Stream 1 ở Nga trong chuyến thăm tới Siemens Energy ở Muelheim an der Ruhr - Đức ngày 3-8 Ảnh: REUTERS
Chính phủ Ý gần đây cũng thông qua gói hỗ trợ trị giá 17 tỉ USD để hỗ trợ các công ty và gia đình trong cơn khủng hoảng chi phí năng lượng và giá cả tiêu dùng. Với gói này, chính quyền Rome đã gia hạn đến quý IV năm nay đối với hàng loạt biện pháp nhằm giảm hóa đơn điện và khí đốt cho các gia đình có thu nhập thấp cũng như giảm chi phí hệ thống.
Việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu tại trạm bơm được kéo dài đến ngày 20-9 thay vì 21-8. Ý cũng đang xem xét việc ngăn các công ty năng lượng đơn phương thay đổi hợp đồng cấp điện và khí đốt cho đến tháng 4-2023.
Phần Lan và Thụy Điển hôm 4-9 cũng công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá lần lượt 10 tỉ USD và 23,2 tỉ USD cho các công ty năng lượng trong nước sau khi Tập đoàn Gazprom của Nga khóa đường ống khí đốt Nord Stream 1 vào cuối tuần trước.
Trước quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga dù mùa đông sắp đến nói trên, Ủy viên Kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni hôm 3-9 khẳng định với kênh CNBC rằng khối đã "sẵn sàng phản ứng". EU đã kêu gọi các nước thành viên tình nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt vào mùa thu đông.