• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đứt gãy chuỗi cung ứng, DN Việt thiệt hại nặng

Trong lúc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, việc Trung Quốc thắt chặt các hoạt động sản xuất, thương mại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang "ngồi trên lửa"

Khoảng một tháng nay, tình trạng "kẹt cảng" ở Trung Quốc càng lúc càng trầm trọng khiến doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, logistics và cả DN sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử... khốn đốn khi mà đường đi của nguyên vật liệu, hàng hóa bị gián đoạn.

Đứt nguồn cung nguyên liệu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều DN cho biết đang bị tác động mạnh từ chính sách "zero Covid-19" của Trung Quốc. Hàng loạt DN sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, nhựa... vốn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đối diện nguy cơ phải hủy đơn hàng, không thể sản xuất dù đang trong giai đoạn cao điểm phục hồi, đơn hàng dồi dào. Tình trạng giảm công suất, có nguy cơ kéo dài thời gian sản xuất, chậm giao hàng diễn ra phổ biến. Nhiều DN may mặc tại TP HCM đang tìm cách xoay xở, bổ sung nguồn cung nguyên phụ liệu tạm thời.

Bình quân mỗi tuần, Công ty TNHH Việt Thắng Jean cần 3 container nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất nhưng khoảng 10 ngày trở lại đây, nguyên liệu không về kịp do tắc nghẽn tại một số cảng ở nước này. Theo ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, nếu tình trạng này kéo dài thêm 10 ngày nữa thì Việt Thắng Jean sẽ thiệt hại lớn.

Cũng phản ánh hầu hết DN sản xuất giày thời trang đang gặp nhiều trở ngại do thiếu lao động và nguyên phụ liệu trầm trọng, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn giày Gia Định, cho biết DN buộc phải thương lượng với đối tác kéo lùi thời hạn giao hàng hoặc hủy đơn hàng vì nguyên phụ liệu nhập về không kịp để sản xuất.

"Với mặt hàng giày thời trang, thường khách cho 45 ngày kể từ khi duyệt mẫu tới khi giao hàng nhưng nay khâu đặt hàng nguyên phụ liệu đã mất gần 1 tháng, thậm chí 2 tháng, tổ chức sản xuất 1 tháng nữa nên chắc chắn không kịp giao hàng đúng tiến độ" - ông Trung giãi bày.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã tác động mạnh đến ngành ôtô thế giới lẫn trong nước. "Nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc cũng khá quan trọng đối với các hãng ôtô. Phía Trung Quốc phong tỏa một số nhà máy và cả bến cảng cũng đã tác động đến ngành ôtô do nguồn cung cấp linh kiện bị chậm trễ một vài tháng trở lên so với bình thường" - đại diện hiệp hội này thông tin.

Còn ở lĩnh vực sản xuất xe máy, Công ty Honda Việt Nam vừa có thông báo về tác động của chuỗi cung ứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sẵn có của một số mẫu xe tay ga trong nước.

Tương tự, ngành hàng điện máy, công nghệ cũng bị ảnh hưởng nặng từ chuỗi cung ứng linh kiện bị đứt gãy. Theo thông tin từ các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP HCM, số sản phẩm mới giảm đáng kể. Nhiều hãng sản xuất đã thông báo đến các nhà bán lẻ là sẽ thiếu hụt hàng hóa ở một số model, trong đó chủ yếu là tivi, tủ lạnh, máy giặt và tăng giá khoảng 3%-5%.

Ông Nguyễn Lạch Huy, đại diện CellphoneS, cho biết việc Trung Quốc lockdown nhà máy, cảng biển đã ảnh hưởng ngành hàng phụ kiện. Những đơn hàng đặt mua từ đầu quý I phải chờ đến đầu quý II mới có nhưng số lượng hạn chế, trong khi nhiều đơn hàng đã đặt từ tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa nhập về. Đại diện một số hãng laptop cũng thừa nhận nguồn hàng nhập từ Trung Quốc bị thay đổi thời gian liên tục, chậm đến vài tuần hoặc 1 tháng so với kế hoạch.

Có thể nói việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa Trung Quốc ra thế giới đã tác động hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, cho biết DN Việt Nam thường nhập đồ gỗ nội thất, phụ kiện kim khí từ Trung Quốc phục vụ cho ngành gỗ xuất khẩu. Nay Trung Quốc phong tỏa nhà máy, cảng biển khiến hàng về Việt Nam rất chậm.

Còn ở ngành cơ khí - điện, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng DN ngành cơ khí - điện cũng mất lợi nhuận từ những "sự cố" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. "Giá vật tư sắt, thép, nhôm, đồng... nhập từ các thị trường đều tăng mạnh so với trước. Với những đơn hàng đã ký, chúng tôi phải chịu mất một phần lợi nhuận vì chi phí nguyên vật liệu tăng. Còn với đơn hàng mới thì công ty nỗ lực đàm phán, yêu cầu khách hàng chia sẻ chi phí phát sinh nhưng không phải khách hàng nào cũng đồng ý điều chỉnh giá" - ông Tống nêu.

Đứt gãy chuỗi cung ứng, DN Việt thiệt hại nặng - Ảnh 1.

Vận chuyển bằng đường biển tiếp tục khó khăn, tình trạng trễ lịch tàu về cảng thường xuyên hơn Ảnh: Hoàng Triều

Xuất khẩu nông sản gặp nhiều rủi ro

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho hay mặt hàng điều của Việt Nam xuất sang Trung Quốc khá nhiều và đang bị giảm đáng kể. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa, nên khi DN xuất hàng sang chỉ cần ghi sai một từ trong thủ tục sẽ không được giải quyết thông quan. Trục trặc về thủ tục cũng gây thiệt hại lớn cho DN vì những container hàng sẽ bị ách tắc tại cảng cả tháng trời.

Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kết quả xuất khẩu các tháng đầu năm sang Trung Quốc tiếp tục sụt giảm. Tính đến quý I, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ còn hơn 455 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. "Các DN Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đơn lẻ nên dễ bị tác động tiêu cực khi các tàu đổi lộ trình, trễ chuyến, bỏ chuyến... Vừa qua, nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển cho DN bằng việc thuê tàu chung để vận chuyển thẳng sang Trung Quốc nhưng đến nay chưa được triển khai" - ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin.

Ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), chuyên các sản phẩm về chuối - cho hay chính sách "zero Covid-19" của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu chuối. "Ngay cả xuất khẩu chính ngạch bằng tàu biển cũng rủi ro khi thời gian vận chuyển kéo dài, cước tăng làm đội giá thành.

Trước đây, mỗi container chuối 20 tấn xuất khẩu sang Trung Quốc mất 60 triệu đồng, tính ra mỗi kg tốn 3.000 đồng thì lúc cao điểm, tiền vận chuyển chuối lên đến 8.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cước giảm hơn nhưng vẫn còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, gần bằng tiền chuối mua của nông dân, cộng thêm chi phí sơ chế, xử lý, đóng gói, bao bì khiến giá thành xuất khẩu đội lên, ảnh hưởng lượng bán ra tại Trung Quốc" - ông Hùng tính toán.

Tại TP HCM, theo đại diện một số hãng tàu, nhiều khách hàng đã hủy cọc, hủy đơn hàng vận chuyển xuất khẩu vì không đợi được, phải xử lý bằng phương án khác. Thường DN đặt tàu đi từ TP HCM để xuất khẩu các mặt hàng nông sản như hành tỏi, trái cây... sang Trung Quốc. Một số trường hợp tàu đã đi buộc phải quay về vì không cập cảng được, trong khi rất nhiều hàng đã đóng container, đóng kiện đợi đi.

"Ngoài việc tốn kém do cước vận tải tăng, các DN còn chịu thêm chi phí tháo dỡ hàng, chuyển hướng vì có tình trạng hàng đã lên tàu nhưng phải hủy, thay đổi và trả ngược về kho, xưởng" - đại diện một hãng tàu nói.

Cước vận chuyển tăng cao

Ông Đặng Đình Long, Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại Mega A, phản ánh khi Trung Quốc có lệnh đóng cảng thì mọi giao dịch về tàu với khách hàng đã xáo trộn, giá cước lập tức tăng thêm 15%-20% trong hơn 1 tháng qua. Đặc biệt, hàng đi container lạnh giá càng cao hơn do phía Trung Quốc điều hướng vận chuyển.

"Hiện tại, trung bình giá cước một container lạnh là 200 triệu đồng, container khô khoảng 100 triệu đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm 2022, một phần do thiếu container rỗng, phần vì chi phí xăng dầu, xếp dỡ, nay còn cõng thêm chi phí gia tăng do kẹt cảng ở Trung Quốc" - ông Long thông tin.

Điều chỉnh việc tiếp nhận hàng về cảng TP HCM

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã có thông báo việc hàng hóa về các cảng. Theo đó, việc tắc nghẽn cảng ở Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các cảng trong khu vực, tình trạng trễ lịch tàu thường xuyên hơn. Hàng lạnh tại khu vực TP HCM tăng trưởng đột biến do nhiều khách hàng chuyển từ phương án đường bộ sang đường thủy. Để bảo đảm sản xuất cũng như việc lưu thông hàng hóa, Tân cảng Sài Gòn đã thông báo điều chỉnh việc tiếp nhận hàng từ bãi chờ xuất hàng lạnh tại một số cảng trực thuộc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...