Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết với nhà đầu tư
Đây là yêu cầu xuyên suốt của Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời gian qua. Bộ Tài chính luôn thể hiện rõ quan điểm, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết, khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.
Thời gian vừa qua, các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát có tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư. Hệ quả là thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khối lượng phát hành mới sụt giảm.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh hoạt động của thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính và Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc trực tiếp các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có 05 văn bản, trong đó gần đây nhất là văn bản ngày 17/5/2023, gửi doanh nghiệp phát hành yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.
Về khuôn khổ pháp lý, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường. Do vậy, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án: Thứ nhất, đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; Thứ hai, đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù áp lực trả nợ vẫn còn lớn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành. Nghị định này không chỉ giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tái cấu trúc mà còn giúp tạo điều kiện cho việc cải thiện tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
Theo đại diện hạng tín nhiệm FiinRatings, dấu hiệu tích cực cho thấy, việc tái cấu trúc nợ đang có tiến triển nhất định với hơn 35% giá trị của các trái phiếu bị chậm thanh toán đã được các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đồng ý gia hạn thanh toán/tái cấu trúc.