Diễn biến giá cả hàng hóa quý I/2022 và định hướng quản lý điều hành giá trong thời gian tới
Có thể thấy diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường trong nước trong quý I/2022 chịu tác động chủ yếu từ xu hướng tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới và được dự báo từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, với các biện pháp quản lý, điều hành giá đồng bộ, giá cả hàng hóa các mặt hàng trong nước 3 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát theo kịch bản điều hành giá được Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra từ đầu năm. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được triển khai quyết liệt với tinh thần không chủ quan, linh hoạt và chủ động hơn, để kiểm soát lạm phát năm 2022 theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng trong quý I/2022
Trong bối cảnh nhu cầu nguyên vật liệu tăng cao theo đà phục hồi kinh tế thế giới, cộng với xung đột giữa Nga - Ukraine và các biện pháp cấm vận của các nước đối với Nga đã khiến giá cả phần lớn các mặt hàng trên thế giới tăng cao và diễn biến không ổn định.
Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, cũng như những yếu tố biến động theo quy luật như mặt bằng giá cả thị trường thường tăng cục bộ vào thời điểm lễ, Tết; kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trở lại trong điều kiện “bình thường mới”.
Trong khi đó, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá cả hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng cao ngay từ những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá, của Bộ Tài chính, về cơ bản, mặt bằng giá vẫn được kiểm soát tốt.
Nhờ đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng 2/2022, tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm từ 2017 - 2020. Mức tăng này vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã được Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá từ đầu năm 2022.
Nguyên nhân khiến CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng, cũng như giá cả một số hàng hóa, dịch vụ tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết. Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI 3 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, giá gas trong nước biến động tăng theo giá gas thế giới từ ngày 01/2/2022; giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt trong 3 tháng đầu năm, (tăng từ 5.780 - 6.060 đồng/lít); giá một số vật liệu bảo dưỡng nhà ở (xi măng, sắt, thép, cát...) tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Một số mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19 như kit-test xét nghiệm tăng giá cục bộ, do nhu cầu mua tích trữ và sử dụng tăng sau Tết Nguyên đán 2022 khi người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, lễ hội, học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, số ca nhiễm bệnh tăng cao…
Ở chiều ngược lại, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm, do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% (áp dụng từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ), giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022); giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, nên giá cả chỉ “nhích” tăng nhẹ trước và trong Tết, sau đó dần ổn định trở lại và giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng chính sách miễn, giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021 - 2022, doảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như sự quyết liệt trong công tác điều hành giá của các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp tích cực tham giachương trình bình ổn giá đã góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý và điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Điển hình như: Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá ký ban hành Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 và Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022 về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng thực hiện cấp bách như: Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu (thực hiện từ 1/4/2022); Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phối hợp trong quản lý, điều hành giá trong thời gian qua đã được triển khai hiệu quả, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Tại các địa phương đã có những biện pháp cụ thể để tăng cường quản lý giá trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tiết giảm một số khoản chi phí chưa cần thiết để tránh tác động tăng giá lên hàng hóa, dịch vụ
Tăng cường quản lý, điều hành giá trong thời gian tới
Dự báo, trong những tháng tiếp theo, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới có thể tiếp tục tăng; tình hình địa chính trị thế giới biến động khó lường.
Trong bối cảnh đó, việc quản lý, điều hành giá cần triển khai thận trọng, linh hoạt, không chủ quan và theo sát diễn biến thị trường. Cùng với đó, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước, trong đó có cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu. Điều này ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng thị trường trong nước.
Nhận diện và lường trước những khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng -Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát trong giới hạn cho phép.
Nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản điều hành giá cho từng quý và cả năm 2022 theo hướng thận trọng, linh hoạt.
Đồng thời, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 và Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022, trong đó chú trọng vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Hai là, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược; trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá.
Ba là, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Bốn là, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình bình ổn thị trường phù hợp với điều kiện tại địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tăng cường triển khai các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (xăng dầu, điện...), góp phần tiết giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí xã hội, thúc đẩy bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, công tác quản lý, điều hành giá cần được triển khai quyết liệt, với tinh thần không chủ quan, linh hoạt, kịp thời nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát năm 2022 theo chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2022), Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;
2. Văn phòng Chính phủ (2022), Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về việc công tác điều giá năm 2022;
3. Văn phòng Chính phủ (2022), Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 25/2/2022 về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng và định hướng công tác điều hành giá 10 tháng còn lại năm 2022;
4. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;
5. Bộ Tài chính (2022), Báo cáo họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2022;
6. Bộ Tài chính (2022), Báo cáo giá cả thị trường các tháng 1, 2, 3/2022;
7. Cục Quản lý Giá (2022), Báo cáo phân tích chỉ số giá tháng 1, 2, 3/2022;
8. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo công bố chỉ số giá tháng 1, 2, 3/2022;
9. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tổng quan thị trường giá cả quý I/2022.
* Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2022.