Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 9/2022
Trong tháng 9/2022, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí Tài chính điện tử điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.
1. Lãnh đạo Bộ Tài chính tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022
Trong khuôn khổ Chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, sáng ngày 18/9 đã diễn ra phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thảo luận tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thứ nhất đó là chênh lệch địa tô. Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
Vấn đề thứ hai là giá đất. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng cho rằng, sắp tới cần phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.
Về vấn đề thứ ba, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải xác định giá đất trước thời điểm điểm xác định giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã tham gia trao đổi, thảo luận bàn tròn, tọa đàm cấp cao về các nội dung với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề rất được quan tâm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán. Hiện nay, Bộ Tài chính đã đưa ra 5 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
2. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trình bày tờ trình của Chính phủ về về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 19/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành Luật Giá (sửa đổi) và bổ sung Dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Việc ban hành Luật Giá (sửa đổi) còn nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn...
3. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài diễn ra ngày 17/9, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính luôn luôn sát cánh với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đầu tư.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự đóng góp của các DN và tổ chức nước ngoài trong thời gian qua đã đầu tư và kiến tạo vào sự phát triển ở Việt Nam.
“Bộ Tài chính luôn hỗ trợ hết mức cho các nhà đầu tư và đồng hành cùng nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
4. Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
Sáng 23/9/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về định hướng, sửa đổi Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/1/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/1/2019 của Chính phủ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định này.
“Tại cuộc họp này, Bộ Tài chính mong muốn lắng nghe ý kiến các đồng chí về sự phù hợp của Dự thảo Nghị định, nội dung nào cần bổ sung, hoàn thiện; tiêu chuẩn, định mức chế độ và kinh phí, vấn đề phân cấp, phân quyền đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn của việc thực hiện tài sản công là xe ôtô hay chưa.” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Sau khi nghe các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn. Đồng thời, giao Cục Quản lý Công sản phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến tại Hội nghị và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của Dự thảo.
5. Bộ Tài chính công bố Ngày Chuyển đổi số của Bộ
Ngày 26/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BTC công bố Ngày Chuyển đổi số của Bộ Tài chính. Theo đó, ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số của Bộ Tài chính.
Ngày Chuyển đổi số của Bộ Tài chính được tổ chức nhắm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ Tài chính, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích trong việc chuyển đổi số quốc gia nói chung và các hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính nói riêng; thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động chuyển đổi số quốc gia nói chung và hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính nói riêng.
6. Moody nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam tăng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định
Ngày 6/9/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Moody nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam tăng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện. Điều này cũng phản ánh xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.