Để TP HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế
Các chuyên gia góp ý TP HCM cần tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm, có cơ chế thí điểm mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp
Sáng 12-1, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy TP HCM và Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP HCM".
DN cần được thảo luận chính sách
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề TP HCM có 460.000 DN đăng ký hoạt động với khoảng 500.000 doanh nhân, chiếm 50% tổng số doanh nhân cả nước, song lực lượng này đã phát huy hết vai trò giúp thành phố đảm nhiệm được vị trí đầu tàu kinh tế?
"Điều gì là rào cản với DN, doanh nhân? Điều kiện, nền tảng xuất phát, thực lực, cơ chế chính sách bó buộc hay do chính phẩm chất của doanh nhân?" - ông Thiên nêu câu hỏi và cho rằng TP HCM còn nhiều việc phải làm để giữ vững vị thế đại diện cho quốc gia trên vũ đài kinh tế quốc tế.
Nhấn mạnh kinh tế đất nước đang hồi phục trong giai đoạn rất đặc biệt bởi tác động của đại dịch Covid-19, ông Trần Đình Thiên cho rằng đã đến lúc DN không cần phải "xin" Chính phủ cho chính sách để làm ăn mà Chính phủ phải cung cấp cho DN những chính sách tốt nhất. "Hơn cả khái niệm "Chính phủ kiến tạo", DN giờ đây phải được thảo luận với Chính phủ để đề xuất chính sách" - ông Thiên thẳng thắn.
Doanh nghiệp, doanh nhân tại TP HCM luôn mong muốn được quan tâm, hỗ trợ để phát triển bền vững. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu quan điểm chính quyền phải thực sự là bạn của DN và phải lắng nghe doanh nhân. Đặc biệt, cần có cơ chế "sandbox", nói cách khác là khung thể chế thí điểm cho phép DN thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trong thời gian xác định, có sự giám sát của cơ quan quản lý và có phương án dự phòng rủi ro.
"Chính quyền phải tự đặt ra "sandbox" này, có sự đóng góp của DN, doanh nhân. Điều tôi mong mỏi nhất là TP HCM tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm, như những gì thành phố đã làm những năm 1990-2000" - TS Thành nói.
Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân ví von DN là những chiếc xe bồn chở xăng cho toàn xã hội. DN phát triển thì công ăn việc làm của người lao động trong DN và những ngành nghề liên quan mới ổn định, kinh tế đất nước mới tăng trưởng. Do đó, TP HCM cần nỗ lực hỗ trợ, đồng hành để DN phát huy hết năng lực, góp phần giúp thành phố xứng đáng với vị trí đầu tàu của đất nước.
Dẫn câu chuyện một DN có vốn đầu tư nước ngoài vào xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhưng sau 10 năm, có tin đồn DN này dịch chuyển đến quốc gia khác do ưu đãi đã hết, TS Lê Quốc Thành, Viện Nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị DN, nhấn mạnh: "Sớm muộn gì DN Việt cũng phải lớn mạnh để có vai trò ngày càng quan trọng hơn!". Để đạt được điều này, TS Thành đề xuất thí điểm mô hình đào tạo có sự bảo trợ của chính quyền thành phố với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tiễn về quản trị kinh doanh.
Giải quyết dứt điểm những hạn chế
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đánh giá đây là hội thảo quan trọng chuẩn bị một số nội dung cho hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
"Năm 2021, TP HCM hết sức khó khăn vì đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Đây cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo của DN, doanh nhân thành phố" - Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng nhận xét.
Tuy vậy, bà Phan Thị Thắng thừa nhận chất lượng đội ngũ doanh nhân chưa đồng đều; khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu; một số DN còn thiếu tính liên kết; một bộ phận doanh nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi…
Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa thống nhất; hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế; cải cách hành chính chưa đáp ứng đòi hỏi của DN...
"Cần đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, nguyên nhân khách quan và chủ quan để có giải pháp hiệu quả. Trong những nguyên nhân đã chỉ ra cách đây 10 năm, nguyên nhân nào chưa giải quyết dứt điểm và giải pháp trong thời gian tới như thế nào? Những nguyên nhân phát sinh mới cũng cần nhận diện thấu đáo để khắc phục" - Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng kết luận.