• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số tiến ra biển lớn

2022 là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, làm chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đến nay, 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCÐ) tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Nhiều lĩnh vực, ngành nghề

Chuyển đổi số (CÐS) tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. 

Chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-6-2020 theo Quyết định số 749/QÐ-TTg. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó với vai trò "cầm nhịp", Bộ TT-TT đã tham mưu cho Chính phủ, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình này.

Chuyển đổi số tiến ra biển lớn - Ảnh 1.

Cán bộ hải quan làm thủ tục trên nền tảng cửa khẩu số ở Lạng Sơn Ảnh: Minh Phong

Chuyển đổi số tiến ra biển lớn - Ảnh 2.
 

Chuyển đổi số tiến ra biển lớn - Ảnh 3.

Ngày CÐS quốc gia 10-10 được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CÐS; thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công cuộc CÐS của đất nước. Dẫn chứng số liệu cho thấy CÐS đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, ông Phạm Ðức Long, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện năm 2022 là 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021. "Số lượng giao dịch trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt 860 triệu giao dịch, trung bình 1 ngày khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021" - ông Long nhấn mạnh.

Năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phát triển các nền tảng số. Trong đó, tập trung phát triển các nền tảng quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương.

Về việc triển khai tổ CNSCÐ, ông Phạm Ðức Long cho biết đây là sáng kiến nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội vào công tác nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CÐS, với phương châm lấy người dân làm trung tâm. Ðến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 68.933 tổ CNSCÐ, với 320.839 thành viên.

Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, với 1.473 tổ CNSCÐ, tương ứng 11.255 thành viên, bao phủ từ đơn vị hành chính nhỏ nhất của tỉnh, đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công quốc gia thuận lợi nhất. "Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương kết nối dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, tỉnh đã số hóa thủ tục hành chính ngay từ khâu tiếp nhận, số hóa gắn với bóc tách dữ liệu để sử dụng nhiều lần, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN)" - bà Hân thông tin.

Là địa phương triển khai nền tảng cửa khẩu số từ ngày 21-2-2022, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT tỉnh Lạng Sơn, cho biết đến nay, 100% DN đã khai báo trực tuyến trên nền tảng này trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên nền tảng số. Số DN khai báo thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số là 176.467 phương tiện, thu được hơn 211 tỉ đồng phí hạ tầng, hơn 20,6 tỉ đồng phí sang tải.

Kinh tế số bứt phá

Thời gian qua, Chính phủ luôn chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh CÐS, phát triển kinh tế số (KTS), hướng đến mục tiêu KTS chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. KTS được coi là một trong các động lực tăng trưởng trong những thập niên tới. Bộ TT-TT nhấn mạnh KTS giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo số liệu tạm ước tính, đóng góp của KTS cho GDP trong 9 tháng năm 2022 khoảng 14,26%.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng các nền tảng số nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động DN, Bộ TT-TT đã hỗ trợ các DN tiếp cận và sử dụng các nền tảng xuất sắc, có uy tín với những ưu đãi để DN phát triển. Trong năm 2022, số lượng DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx tăng 481% so với năm 2022, đạt 256% so với kế hoạch đã đề ra.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT), cho biết quy mô KTS ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh trong năm 2022: KTS ICT (công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông), KTS nền tảng và KTS ngành. Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho KTS là dịch vụ công nghệ thông tin, chiếm khoảng 30%; tiếp đến là thương mại điện tử với 14,3%; sản xuất phần cứng với 12,83%. Nếu như 2022 là năm khởi động, bước đầu thiết lập thể chế gồm pháp lý, tổ chức quản lý và thúc đẩy phát triển KTS thì 2023 là năm nền tảng, có tính chất bản lề thực hiện các mục tiêu đến năm 2025.

Theo ông Phạm Ðức Long, định hướng đến năm 2025, KTS mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế quốc gia. KTS giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế, góp phần giải bài toán khoảng cách số, khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách nông thôn với thành thị và giảm ô nhiễm môi trường.

Vươn ra nước ngoài

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2022 cũng là năm các DN công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, làm CÐS cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) về viễn thông đã đạt 3 tỉ USD, của FPT về công nghệ thông tin và CÐS đạt 1 tỉ USD. "Không ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năm 2022 đã có 35 nền tảng số tiêu biểu Make in Vietnam được lựa chọn giới thiệu để phục vụ CÐS cho người dân, DN. Ðặc biệt, 100% sản phẩm, nền tảng này do người Việt thiết kế, sáng tạo và hoàn thiện với các nhóm nền tảng gồm: nhóm Chính phủ số; nhóm tài chính, ngân hàng, kinh doanh; nhóm nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội; nhóm nền tảng nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương. Ðáng chú ý, tỉ trọng Make in Vietnam trên các sản phẩm công nghệ số tăng từ 27% - 34%; doanh thu đạt gần 150 tỉ USD, tăng 10,2%.

"Ðể thúc đẩy các sản phẩm Make in Vietnam vươn ra thế giới, DN cần nỗ lực sáng tạo, thiết kế thay vì chỉ gia công sản phẩm. Chiến lược thời gian tới sẽ là chuyển dịch sang tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án CÐS theo đặc thù của từng DN" - Bộ trưởng định hướng.

Dưới góc nhìn DN, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC, cho biết KTS thế giới có quy mô lớn nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội cho các DN công nghệ số Việt Nam. Ông Chính dẫn số liệu phân tích 12 nền kinh tế được chọn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, cho thấy các quốc gia này mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền KTS vào năm 2021. Ông Nguyễn Trung Chính đánh giá Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt, có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển KTS. Ðể DN phát triển và có cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, ông Chính cho rằng cần có chính sách ưu đãi cao nhất đối với các DN đầu tư trong lĩnh vực này như đất đai, thuế, vốn, thủ tục nhanh...

Mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023, Bộ TT-TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các DN công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi. Theo Bộ trưởng, Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. "Ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số của chúng ta có rất nhiều câu chuyện để kể với thế giới, từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam. Đi ra thế giới cũng là để cạnh tranh với những công ty xuất sắc nhất, chúng ta chỉ có thể xuất sắc khi có đối thủ xuất sắc" - Bộ trưởng nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...