Bít cửa doanh nghiệp phái cử yếu kém
Chương trình thực tập kỹ năng được sửa đổi nhằm loại bỏ những doanh nghiệp phái cử không đủ tiêu chuẩn và cung cấp kỹ năng cho thực tập sinh tìm được việc sau khi về nước.
Ngày 20-7, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo về Chương trình thực tập kỹ năng dành cho các doanh nghiệp (DN) phái cử Việt Nam, do Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Đông đảo DN phái cử đã tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều thay đổi quan trọng
Tại hội thảo, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết hiện trong 15 nước phái cử thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu với hơn 200.000 TTS (chiếm khoảng 50% tổng số TTS nước ngoài). Những năm gần đây, lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản cũng chiếm trên 50% hằng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh hầu hết các DN phái cử đầu tư bài bản, tuân thủ luật pháp của Việt Nam và Nhật Bản, thì cũng có một số DN hoạt động yếu kém, dẫn đến tình trạng TTS bỏ trốn khỏi nơi thực tập, làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại. Ông Hương chỉ ra một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên như DN phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý TTS; nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, tạo ra gánh nặng chi phí cho TTS; đơn vị tiếp nhận TTS có điều kiện, môi trường làm việc chưa tốt; TTS phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định.
"Chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1993 đến nay bộc lộ một số hạn chế, như TTS chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản. Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được bảo đảm, thu nhập chưa cao, chủ sử dụng đối xử không tốt với TTS" - ông Hương nói.
Thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản Ảnh: GIANG NAM
Cung cấp và làm rõ thêm định hướng sửa đổi chính sách tiếp nhận TTS kỹ năng nước ngoài của Nhật Bản trong thời gian tới, ông Kaneko Ryutaro, cán bộ Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cho biết việc sửa đổi đang được nghiên cứu ở cấp độ hội đồng chuyên gia. Trên cơ sở đó, các bộ - ngành chủ quản sẽ xem xét, sau đó đưa ra kiến nghị sửa đổi các điều luật có liên quan, tổng hợp để trình Quốc hội thẩm tra, thông qua…
Theo ông Kaneko Ryutaro, định hướng sửa đổi là cung cấp kỹ năng cho TTS tìm được việc làm, cống hiến sau khi về nước và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của DN Nhật Bản. Chương trình này sẽ nâng cao tính minh bạch, khả năng dự báo thông qua các đoàn thể, DN sử dụng lao động, cơ quan hữu quan nhằm tạo môi trường làm việc tốt và bảo vệ quyền lợi cho các TTS.
Bên cạnh đó, tăng cường chức năng của các nghiệp đoàn như liên lạc, hỗ trợ toàn diện với lao động nước ngoài tại Nhật Bản, loại bỏ những người môi giới, DN phái cử không đủ tiêu chuẩn và ngăn ngừa thu lệ phí quá mức. "Đây là một trong những nội dung chính mà hội đồng chuyên gia sẽ bàn thảo trong thời gian tới" - ông Kaneko Ryutaronn khẳng định.
Xử lý hình sự nếu vi phạm
Đại diện Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết "tốp 5" DN phái cử có số lượng lao động bỏ trốn nhiều nhất sẽ bị dừng cử lao động sang Nhật Bản không xác định thời hạn. Trong quá trình bị ngừng, nếu DN đưa ra những bằng chứng cho thấy cải thiện thì sẽ được xem xét tiếp tục cử TTS phái cử.
Ông Kaneko Ryutaro chia sẻ bí quyết để trở thành một tổ chức phái cử tốt, trong đó quan trọng nhất là DN phái cử cần cho thấy sự minh bạch trong chi phí và hỗ trợ để TTS phát huy kỹ năng sau khi về nước. Cụ thể, DN phái cử cần công khai các khoản chi phí theo quy định trên website, giải thích rõ ràng để TTS hiểu về mục đích, ý nghĩa của chế độ thực tập kỹ năng về nơi làm việc, giờ làm, tiền lương - kể cả khấu trừ tiền thuế, BHXH, nội dung công việc, sinh hoạt tại Nhật Bản và những rủi ro khi bỏ trốn.
"Để hỗ trợ TTS, trước khi về nước các DN phái cử cần tư vấn, định hướng và kinh nghiệm tay nghề cho họ. Ngoài ra, giới thiệu những tập đoàn, chi nhánh để tìm việc theo nguyện vọng cho TTS sau khi về nước" - ông Kaneko Ryutaro nói.
Bà Thùy Dung, đến từ DN phái cử PFVN Group (TP HCM), nêu vấn đề nhức nhối là lao động sang Nhật Bản bỏ trốn, không về nước sau thời hạn 3 năm, đây là điều DN không mong muốn. Chính phủ Nhật Bản có biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng này?
Ông Ando Kentaro, đến từ Tổng Cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, khẳng định cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chế tài đối với DN tiếp nhận bất hợp pháp lao động bỏ trốn. Theo quy định, khi DN tiếp nhận lao động phải liên hệ với Tổng cục để xác định thông tin. Người lao động phải có thẻ cư trú, DN được khuyến cáo cần kiểm soát thông tin lao động nghiêm ngặt thông qua thẻ này. DN tiếp nhận trái phép lao động nước ngoài phi pháp, TTS bỏ trốn sẽ xử lý hình sự, cao nhất là phạt tù 1 năm. Đây là chế tài nghiêm khắc. Tổng cục phối hợp với cảnh sát để xử phạt nghiêm túc.
Sửa thông tư về người lao động đi làm ở nước ngoài
Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại dự thảo, bộ đề xuất, trường hợp bên nước ngoài là người sử dụng lao động (NSDLĐ), tài liệu chứng minh bao gồm 1 bản sao giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ khác tương đương do cơ quan chức năng cấp thể hiện lĩnh vực kinh doanh phù hợp với ngành, nghề công việc tuyển dụng lao động nước ngoài.
Đối với nước có quy định về điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài thì cung cấp 1 bản sao tài liệu thể hiện NSDLĐ đáp ứng quy định này. Trường hợp bên nước ngoài là tổ chức dịch vụ việc làm, tài liệu chứng minh bao gồm 1 bản sao giấy phép kinh doanh thể hiện ngành, nghề kinh doanh; 1 bản sao thỏa thuận hợp tác hoặc văn bản đề nghị chuẩn bị nguồn hoặc tuyển dụng lao động Việt Nam của NSDLĐ cho tổ chức dịch vụ việc làm (tất cả đều kèm bản dịch tiếng Việt).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định như dự thảo sẽ đồng nhất về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, tạo sự linh hoạt, nhất là các thị trường, ngành nghề chưa có quy định cụ thể với điều kiện tiếp nhận lao động (như đối với lao động kỹ thuật E7 Hàn Quốc).
G.Nam