Bầu Đức xuất khẩu gần 15.000 tấn chuối trong 1 tháng
Tháng 5-2023, heo hơi có đợt tăng giá nhưng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ mảng chuối.
Ngày 19-6, Công ty CP Tập đoàn HAGL (HAGL – mã chứng khoán HAG) cập nhật tình hình kết quả sản xuất - kinh doanh trong tháng 5-2023 với mức lợi nhuận sau thuế 82 tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần tháng trước (32 tỉ đồng).
Cụ thể, doanh thu thuần của tập đoàn nơi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT là 626 tỉ đồng trong tháng 5. Trong đó, ngành chăn nuôi – chủ yếu là heo - mang về 136 tỉ đồng; ngành cây ăn trái - chủ yếu là chuối - đem lại 246 tỉ đồng và ngành phụ trợ 244 tỉ đồng.
Về sản lượng tiêu thụ, trong tháng, HAGL đã xuất chuồng 26.062 con heo thịt; 16.058 tấn cây ăn trái (chuối xuất khẩu là 14.698 tấn, chuối dùng cho gia súc 1.360 tấn).
Sơ chế chuối xuất khẩu tại HAGL
Đại diện HAGL thông tin tháng 5, giá heo hơi trong nước đã tăng nhẹ so với tháng 4 nhưng chỉ dao động ở mức thấp nên kết quả kinh doanh trong tháng chủ yếu đến từ mảng chuối.
Như vậy, sau tháng 4 với kết quả kinh doanh "không khả quan", lợi nhuận của HAGL đã hồi phục về mức 82 tỉ đồng nhờ mảng chuối.
Theo công bố tại đại hội cổ đông hồi tháng 4, HAGL hiện có 7.000 ha trồng chuối rải vụ quanh năm, sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và phân phối nội địa.
Nhờ được canh tác trên đất cao nguyên, độ cao hơn 700 m so với mực nước biển nên chuối của HAGL có mặt bằng giá cao so với thị trường.
Bầu Đức từng trồng nhiều loại rau quả như: thanh long, ớt… trước khi chọn chuối là cây trồng chiến lược nhờ lợi thế có thể trồng quy mô công nghiệp, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhờ mô hình heo ăn chuối, HAGL có thêm nguồn thu từ chuối phụ phẩm bán làm thức ăn cho mảng chăn nuôi heo của tập đoàn.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá chuối là mặt hàng thứ 3 - sau thanh long, sầu riêng - có khả năng đem lại doanh số 1 tỉ USD xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn, Việt Nam có ưu thế gần thị trường này so với các đối thủ như Philippines hay Ecuador, Nam Mỹ... Việc chủ động nguồn cung tại chỗ của Trung Quốc cũng gặp khó khăn do điều kiện tự nhiên không thích hợp, thường xuyên gặp hạn hán.