• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm nguồn cung khi giá xăng dầu liên tục vượt "đỉnh"

Cả nền kinh tế đang phải chịu ảnh hưởng bởi xăng dầu liên tục tăng giá, do đó Chính phủ cần tính toán các biện pháp để kìm đà tăng giá mặt hàng đặc biệt này.

Chiều 1-6, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 30-5 đối với xăng RON92 là 143,054 USD/thùng, xăng RON95 là 151,234 USD/thùng, tăng mạnh so với chu kỳ trước. Với diễn biến này, xăng trong nước được dự báo có lần tăng giá thứ 5 liên tiếp, vượt mốc 31.000 đồng/lít. Hiện tại, xăng E5RON92 có giá 29.639 đồng/lít, xăng RON95 là 30.653 đồng/lít.

Đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và tồn kho gối đầu

Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3. Dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II/2022 đạt 6,7 triệu m3, bao gồm nguồn từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I/2022 chuyển sang (1,5 triệu m3).

Nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. Đáng chú ý, nguồn nhập khẩu nêu trên chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhập khẩu tăng thêm để bù đắp việc giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được bộ giao trong quý II/2022. Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bảo đảm nguồn cung khi giá xăng dầu liên tục vượt đỉnh - Ảnh 1.

Tranh thủ đổ xăng trước khi giá tăng. Ảnh: TẤN THẠNH

Còn dư địa để kìm đà tăng giá

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 31-5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết khi tăng giá xăng dầu, người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng cả nền kinh tế đều phải chịu ảnh hưởng chung do xăng dầu là mặt hàng đầu vào.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Do đó, Chính phủ phải tính toán các biện pháp để kìm đà tăng giá xăng dầu. Về dư địa để kìm đà tăng giá xăng dầu trong nước, ông Hoàng Văn Cường đề cập đến công cụ thuế. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường vẫn còn dư địa khi mới giảm 50%.

"Giảm các loại thuế trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá xăng dầu, mang lại ý nghĩa cao hơn trong ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế. Có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng cần xem xét, cân nhắc kỹ vì loại thuế này liên quan tới điều tiết hành vi sử dụng các loại hàng hóa của người tiêu dùng" - ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh điều hành về giá, ông Hoàng Văn Cường cho rằng việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cũng rất quan trọng để tránh bị biến động một cách "gấp khúc". Theo ĐBQH này, Việt Nam là nước khai thác dầu khí, có nhà máy lọc hóa dầu, trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay có thể đẩy mạnh khai thác, các nhà máy lọc hóa dầu cần hoạt động hết công suất để chủ động nguồn cung, không quá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Cùng với việc dự trữ bắt buộc, dự trữ quốc gia như hiện nay, cần tiến tới dự trữ xăng dầu với khối lượng nhiều hơn để phòng ngừa các rủi ro về giá.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay thời gian qua đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng, diễn biến giá thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. Liên Bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu 100-1.500 đồng/lít (tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.

Cơ quan quản lý ngành công thương cho biết giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới giao dịch trên thị trường Singapore dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-5 đã tăng 50,23%-67,09% so với đầu năm 2020, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 25,04%-46,85%.

Ở thời điểm ngày 11-5, xăng RON95 là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,3 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Campuchia (1,39 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít).

Giá dầu thế giới đối mặt nhiều sức ép

Giá dầu thế giới hôm 31-5 tăng sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022, làm gia tăng nỗi lo về nguồn cung giữa lúc người dân ở Mỹ và châu Âu lái xe nhiều vào kỳ nghỉ mùa hè. Giá dầu thô Brent giao sau ở Anh có lúc tăng lên 123,86 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI giao sau ở Mỹ có thời điểm đạt mức 119,12 USD/thùng.

Nguồn cung cũng có thể chịu thêm sức ép từ sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng. Đáng chú ý, chính quyền TP Thượng Hải thông báo chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng, cho phép phần lớn người dân rời nhà và lái xe từ ngày 1-6. Ngoài ra, tại cuộc họp diễn ra trong ngày 2-6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dự kiến duy trì thỏa thuận đạt được vào năm ngoái, theo đó tăng sản lượng khai thác lên thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 7. Với bước đi này, OPEC+ tiếp tục bác bỏ lời kêu gọi của phương Tây về việc sản xuất nhiều hơn nữa để giúp hạ giá dầu. Các thành viên OPEC+, trong đó có Nga, lập luận rằng thị trường dầu vẫn cân bằng.

Theo Reuters, giá dầu đã tăng hơn 55% kể từ đầu năm cho đến giờ, một phần do nỗi lo về nguy cơ nguồn cung từ Nga (nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới) bị gián đoạn. Ngân hàng Bank of America (BofA) của Mỹ vừa dự báo giá dầu thô Brent có thể tăng lên hơn 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm mạnh thời gian tới. Cũng theo BofA, giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 104,48 USD/thùng năm nay và 100 USD/thùng năm 2023.

P.Võ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...