• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bán bảo hiểm kèm khoản vay: Hết thời... lách luật

Dù đã có quy định siết chặt, nhưng tình trạng ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với khoản vay vẫn tái diễn dưới hình thức 'gợi ý khéo'.

Phạt tiền đến 500 triệu đồng đối với vi phạm về gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Phạt tiền đến 500 triệu đồng đối với vi phạm về gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, với chế tài mới mạnh tay, mức phạt lên tới 500 triệu đồng, hành vi “bán bia kèm lạc” trá hình này sẽ không còn cơ hội tồn tại.

Nhiều “chốt chặn” giải ngân

Đã có những chế tài, quy định, đường dây nóng để xử lý những ngân hàng “bán bia, kèm lạc” nhưng thực tế không phải người dân nào cũng muốn phản hồi. Do đó, tình trạng ngân hàng “ép” mua bảo hiểm vẫn diễn ra.

Chị Hà Linh, khách hàng của một ngân hàng có chi nhánh trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội chia sẻ, chị có gói vay mua nhà tại ngân hàng từ 3 năm trước, sau khi hết chương trình ưu đãi lãi suất của chủ đầu tư và ngân hàng, chị phải trả lãi suất thả nổi khoảng 10,5%/năm.

Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng liên tục gặp hoặc gọi điện “kỳ kèo” sẽ giảm lãi vay khoảng hơn 2%/năm với điều kiện chị đồng ý mua gói bảo hiểm nhân thọ.

Sau nhiều lần trao đổi, chị Linh chấp nhận mua gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 50 triệu đồng, ngay cả khi chị đã có gói bảo hiểm nhân thọ ở một đơn vị khác, bởi, nhân viên ngân hàng thông báo chỉ đề xuất giảm lãi suất với điều kiện có hợp đồng bảo hiểm.

Tương tự, Anh Phạm Đình Đức (Đống Đa, Hà Nội) hiện đang có khoản vay ngân hàng mua căn hộ trả góp của dự án căn hộ tại tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây, nhân viên ngân hàng đề xuất thẳng nếu không mua bảo hiểm, ngân hàng sẽ không ký giải ngân.

Từng là người được đề xuất “nếu không mua bảo hiểm, ngân hàng sẽ không ký giải ngân”, chị Hoàng Thị Thuý (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thời điểm năm 2022, khi vay 900 triệu đồng để mua chung cư, được nhân viên gợi ý tham gia gói bảo hiểm để hưởng lãi suất tốt hơn. Dù nhìn “bề nổi” chỉ là gợi ý, nhưng khi chị Thuý tỏ ý không muốn, nhân viên ngân hàng liền nói đến những khó khăn, rủi ro “trượt” hồ sơ khiến chị phải chấp nhận.

Dù sau khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 1/7/2024) tình trạng này không còn, nhưng nhân viên các ngân hàng lại trao đổi theo hướng, người vay để có thể được duyệt hồ sơ nhanh thì nên mua gói bảo hiểm nhân thọ cho người thân như bố, mẹ, chị, em, con… nhằm lách quy định người mua bảo hiểm là khách hàng độc lập và không phải người đứng tên hợp đồng vay vốn.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã chỉ đạo và chấn chỉnh hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng, yêu cầu tuân thủ quy định và không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát và rà soát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh ngân hàng có tỷ lệ tái tục hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai thấp. Việc khách hàng mua bảo hiểm một cách đối phó và không phù hợp với nhu cầu đã dẫn đến tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên tại một số ngân hàng lên tới 40 - 70%.

Theo chuyên gia Trần Minh Phong, bancassurance (bảo hiểm kết hợp với ngân hàng) là kênh rất phát triển trên thế giới, nhưng ở Việt Nam lại biến tướng thành một kênh bắt buộc, tạo ra sự méo mó và cái nhìn tiêu cực, đặc biệt từ người đi vay.

Để kênh bancassurance phát triển bền vững, các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm phải đi theo hướng khác, bán những sản phẩm khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có và “ép” khách hàng phải mua.

“Trong bối cảnh pháp lý ngày càng siết chặt và chế tài xử phạt ngày một nặng tay, hành vi gắn bảo hiểm không bắt buộc vào các sản phẩm tín dụng cần được nhìn nhận không chỉ là sai phạm, mà còn là rủi ro hệ thống.

Do đó, việc chấm dứt các hình thức ép buộc trá hình là bước đi không thể trì hoãn, nếu ngành bảo hiểm, ngân hàng muốn khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển dài hạn, minh bạch”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chế tài nghiêm khắc

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Đáng chú ý, quy định mới bổ sung tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 88/2019 là mức phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với vi phạm về gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Hiện các quy định của ngành ngân hàng không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay.

Tại dự thảo cũng quy định đối với hành vi về vi phạm lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh và cung ứng sản phẩm phái sinh. Cụ thể, mức phạt đối với những vi phạm này dao động từ 10 - 20 triệu đồng khi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ; niêm yết lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; thu các loại phí cung ứng dịch vụ không đúng quy định.

Trong khi đó, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không đúng mức đã niêm yết. Cao nhất là mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về lãi suất, tiền tệ, giá cả hàng hóa và tài sản tài chính khác.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung thêm nhiều chế tài xử phạt, tăng mức phạt vi phạm hành chính, trong đó mức xử phạt nặng nhất có thể lên đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt tiền từ 150 triệu đồng - 200 triệu đồng được quy định đối với hành vi không xây dựng quy trình quản lý rủi ro, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...