• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 1: Doanh thu, số thu thuế thương mại điện tử tăng “chóng mặt”

Những phiên livestream doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lượng hàng hóa giao dịch khổng lồ mỗi ngày trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên tục tăng cao… Đó là thực trạng phát triển TMĐT của nước ta trong thời gian gần đây và cũng nhờ đó đã giúp cho số thu của ngành Thuế tăng mạnh.

Việt Nam được đánh giá là nước có sự tăng trưởng của TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam được đánh giá là nước có sự tăng trưởng của TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á

“Bùng nổ” thương mại điện tử

Hơn 1 năm trở lại đây, hình ảnh những người có sức ảnh hưởng (KOL), những người tiêu dùng chủ chốt (KOC) livestream bán hàng trên khắp các nền tảng không còn xa lạ. Đáng chú ý, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ phiên livestream bán hàng với doanh số lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng, tương đương doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng, nên đã thu hút lượng khách hàng lớn...

Không những vậy, việc kinh doanh trên mạng xã hội, các website, sàn TMĐT đang trở thành xu hướng, kênh kinh doanh không thể thiếu với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay cả các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Người người kinh doanh online, nhà nhà bán hàng trực tuyến với đối tượng kinh doanh là không giới hạn đang là thực tế diễn ra tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua TMĐT, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.

Trong 4 năm qua, TMĐT Việt Nam tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình hàng năm từ 16-30% và chưa có dấu hiệu chững lại. Tiếp đà tăng trưởng của năm 2022, TMĐT Việt Nam năm 2023 vẫn phát triển nhanh lọt top đầu thế giới với quy mô đạt 25 tỷ USD và mức độ tăng trưởng đạt 25% so với năm 2022 bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Cũng theo số liệu thống kê mới nhất của nền tảng số liệu TMĐT Metric, tổng doanh thu của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023, vượt xa so với con số dự báo 35%.

Là một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh đồ gia dụng điện tử lâu năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Siêu thị điện máy Cao Trụ đã quyết định đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để tăng cường diện tiếp xúc với khách hàng từ tháng 6/2023. Chỉ sau hơn 2 tháng mở rộng kênh kinh doanh trên sàn TMĐT cũng như liên kết với các sàn lớn khác, doanh số bán hàng của doanh nghiệp này tăng lên 35-40%, số thuế nộp cũng từ đó tăng theo. Theo ông Cao Thành Đạt – Giám đốc Siêu thị điện máy Cao Trụ, nhờ việc kinh doanh trên sàn TMĐT đã giúp tăng cơ hội tiếp xúc của khách hàng với hàng hóa.

"Nhờ sự hướng dẫn của Cục Thuế Lào Cai, trang web bán hàng riêng của chúng tôi cũng như tại các gian hàng liên kết trên các sàn TMĐT lớn đã được kết nối với hệ thống hóa đơn điện tử và các phần mềm quản lý bán hàng hiện đại. Việc thực hiện nghiêm xuất hóa đơn điện tử đã giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý việc kinh doanh, quản lý các kho hàng dù bán hàng trên nhiều kênh khác nhau. Chúng tôi là doanh nghiệp thuần là thương mại, nên hoạt động kinh doanh của chúng tôi hoàn toàn công khai minh bạch và chúng tôi cũng mong có một môi trường bình đẳng trong hoạt động để cạnh tranh công bằng nhất nhờ việc hàng hóa hóa đơn chứng từ phải công khai minh bạch", ông Cao Thành Đạt chia sẻ.

Ông Cao Thành Đạt – Giám đốc Siêu thị điện máy Cao Trụ (Lào Cai) và cán bộ thuế tại Cục Thuế Lào Cai.

Ông Cao Thành Đạt – Giám đốc Siêu thị điện máy Cao Trụ (Lào Cai) và cán bộ thuế tại Cục Thuế Lào Cai.

Số thu tăng mạnh

Hiện nay, thị trường TMĐT tại Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển với sự đa dạng về mô hình hoạt động, thu hút nhiều đối tượng tham gia, và Việt Nam được đánh giá là nước có sự tăng trưởng của TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đã đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý thuế.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới. Đồng thời, cũng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Từ sự quan tâm, vào cuộc của cả thệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các bộ, ngành, các địa phương đối với hoạt động TMĐT nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo thống kê, số thu thuế từ hoạt động TMĐT từ năm 2016 đều tăng hàng năm, có giảm xuống ở năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng sau đó tiếp tục tăng và lập kỷ lục tăng ở năm 2022 với con số thu nhảy vọt từ mức 1.591 tỷ đồng (năm 2021) lên tới con số 83.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, số thu thuế từ hoạt động TMĐT tiếp tục tăng lên đạt mức 97.000 tỷ đồng với tốc độ tăng 16,87%.

Còn với nguồn thuế thu từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới, 6 tháng đầu năm 2024 có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng kí, kê khai tại Việt Nam (nâng tổng số kê khai lên 102 nhà cung cấp nước ngoài) với số thuế đã khai, nộp là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nổi bật là những cái tên như: Meta (1.467 tỷ đồng); Google (1.029 tỷ đồng), Tiktok (723 tỷ đồng); Apple (462 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai trong toàn Ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế. Kết quả lũy kế trong 3 năm (2021-2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT đưa vào diện rà soát là 31.570 trường hợp và đã truy thu thuế, xử lý vi phạm là gần 22.160 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo của các Cục Thuế, tổng số các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là 42.898; trong đó đã thực hiện kê khai, nộp thuế 9.979 tỷ đồng (tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ), các trường hợp đã xử lý vi phạm là 4.560 trường hợp với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng. Có thể thấy, nếu không rà soát kỹ lưỡng, số thuế có thể thất thu qua TMĐT là rất lớn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...