• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực tăng giá nhà đất

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhưng việc giá nhà đất tăng mạnh có thể gây áp lực lớn cho kinh tế - xã hội.

Gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế đã được Quốc hội thông qua, trong đó có đẩy mạnh đầu tư công. Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là động lực để hoạt động xây dựng, đầu tư hạ tầng phát triển, từ đó gián tiếp kéo thị trường bất động sản (BĐS) phát triển theo.

Báo cáo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu BĐS công bố gần đây đều có những nhận định lạc quan về thị trường BĐS 2022. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển của DKRA Việt Nam, cho biết đất nền các tỉnh giáp ranh/lân cận TP HCM (hoặc các tỉnh thành lớn) hiện vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu mặc dù có thể nguồn cung mới sẽ không bằng những năm trước do nhiều địa phương đang rà soát và siết chặt việc phân lô bán nền.

Kế đến, căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường BĐS nhà ở tại TP HCM và Bình Dương. Còn ở Đồng Nai và Long An, loại hình nhà gắn liền với đất (nhà phố/biệt thự/shophouse) sẽ là chủ đạo. Riêng BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Ông Hoàng dẫn một số dự báo rằng phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó BĐS nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án BĐS nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng thì vẫn có tín hiệu tích cực.

Áp lực tăng giá nhà đất - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright, dẫn câu chuyện về đấu giá đất vàng ở Thủ Thiêm, TP HCM với giá cao bất thường để nói về cung cầu trên thị trường BĐS TP HCM đang mất cân đối, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để có được những BĐS tiềm năng. "Rõ ràng thời gian qua, thị trường nhà đất TP HCM khan hiếm cung có vị trí tốt và đầy đủ pháp lý. Tình trạng khan hiếm sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì số dự án được phê duyệt rất ít. Do đó, sẽ tiếp tục đẩy giá BĐS tăng cao. Nếu 170 dự án đang ách tắc ở TP HCM được tháo gỡ và tiếp tục triển khai trong năm 2022, tình trạng này có thể được cải thiện và đóng góp nhiều cho kinh tế TP HCM" - ông Thành nhận định.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhu cầu đầu tư vào BĐS ngày càng tăng sau khi thị trường chứng khoán đã có 2 năm liên tục lập đỉnh và đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Những nhà đầu tư có lãi lớn hoặc đang thua lỗ trong đợt điều chỉnh mạnh từ cuối năm 2021 đến nay có xu hướng rút khỏi chứng khoán và đi săn nhà đất để đầu tư cho năm 2022. Từ đó đất nền, đất nghỉ dưỡng riêng lẻ ở các tỉnh lân cận TP HCM, Hà Nội đã xuất hiện những cơn sốt cục bộ. "Khi cung hạn chế mà cầu tăng liên tục thì chắc chắn đà tăng giá chưa dừng lại" - một chuyên gia BĐS nhận định.

Trước phản ánh về tình trạng sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần qua, đã cho biết sau khi TP HCM tổ chức đấu giá đất tại khu vực Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ cùng các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá về kết quả đấu giá đất cao bất thường vừa qua để có đánh giá chung về thị trường BĐS. Đến nay, đã có 20 tỉnh đánh giá về nguy cơ sốt đất thông qua đấu giá và ảnh hưởng đến nhà ở, giá đất.

Theo ông Khởi, giai đoạn 2020 - 2021 giá nhà có tăng so với 2 năm 2018 - 2019. Cụ thể, giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng từ 2%-3%. Tăng giá mạnh nhất là phân khúc đất nền với mức khoảng 5%; thậm chí, có nơi tăng 10%. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý chung, ông Khởi cho rằng đấu giá chỉ là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đất. "Thị trường nhà đất bị tác động thông qua hoạt động giao dịch, nguồn cung hạn chế, các dự án phát triển hạ tầng... Do vậy, nếu muốn làm rõ tác động của việc này, cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản" - ông Khởi nói.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Một số giải pháp được Bộ Xây dựng đề xuất nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực của việc sốt đất gồm: quản lý chặt tài chính, tín dụng BĐS; tăng nguồn cung nhà ở xã hội; quản lý việc phát hành trái phiếu của DN BĐS. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng cần điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án BĐS, tránh tập trung đầu tư nhà ở cao cấp; tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án BĐS. Đặc biệt, các địa phương tăng cường khâu kiểm tra, giám sát các dự án BĐS; đồng thời, quản lý môi giới để kiểm soát giá BĐS, không để tiếp diễn tình trạng đẩy giá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...