• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 tuần "xanh" của chứng khoán

VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm 5 tuần liên tiếp cùng động thái tích cực gom hàng của khối ngoại và sự cải thiện của thanh khoản đang mở ra triển vọng tích cực trong ngắn hạn.

Nối tiếp đà tăng từ tuần trước đó, thị trường tiếp tục giao dịch tích cực trong tuần qua, dù mức tăng không lớn. Cụ thể, chỉ số chính giao dịch tương đối giằng co những phiên đầu tuần và chạm mốc cao nhất tuần tại 1.267 vào phiên ngày 11/8 sau khi Mỹ công bố CPI giảm xuống 8,5%. Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng tốt với hơn 10 điểm. 

Kết thúc tuần giao dịch từ 8 – 12/8, VN-Index đóng cửa ở 1.262,33 điểm, tăng 9,59 điểm (+0,77%) so với đầu tuần. HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,17%) lên 303,42 điểm. UPCoM-Index tăng 1,52 điểm (+1,66%) lên 92,84 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ, song vẫn duy trì trên mức trung bình 20 tuần gần nhất. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 15.583 tỷ đồng, giảm 6,27% so với tuần trước đó.

Bảng thống kê diễn biến VN-Index 5 tuần gần đây

Như vậy, đây đã là tuần thứ 5 liên tiếp chỉ số chính kết tuần với sắc xanh, tổng mức tăng lên đến 91,02 điểm (7,59%). Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong 5 tuần qua ở mức 13.205 tỷ đồng.

Cùng với sự hứng khởi của bảng điện, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị 80,2 tỷ đồng. Cụ thể, họ mua ròng 95,6 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 101,8 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 117,2 tỷ đồng trên UPCoM. Trong đó, HDB là cổ phiếu được gom mạnh nhất với giá trị mua ròng đạt 156,6 tỷ đồng. Theo sau là E1VFVN30 (108 tỷ đồng), SSI (95 tỷ đồng), FUESSVFL (83,3 tỷ đồng) và PVD (82,8 tỷ đồng). Ngược lại, khối này xả mạnh VNM (213,5 tỷ đồng), HPG (83 tỷ đồng), BSR (82 tỷ đồng).

Bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán cũng mua ròng trong tuần vừa qua với giá trị đạt 274,6 tỷ đồng trên HoSE. Họ tập trung mua ròng các mã HPG (122,8 tỷ đồng), NVL (64,5 tỷ đồng), VPB (45,5 tỷ đồng) và VND (32,9 tỷ đồng).

Triển vọng

VCBS đánh giá, việc khối ngoại liên tục mua ròng trở lại cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời áp lực lạm phát hiện hữu vẫn sẽ là các yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm trong giai đoạn này.

Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư trong ngắn hạn nên cơ cấu rút gọn danh mục, bán chủ động với những mã kém và yếu. Về góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang trong quá trình tích lũy trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng nên chiến lược giải ngân từng phần với các nhóm ngành triển vọng như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng vẫn có thể được cân nhắc.

Về phần mình, SHS nhận định kể từ sau khi thiết lập được mức đáy quanh 1.140 điểm vào đầu tháng 7/2022, thị trường đã có liên tiếp 5 tuần hồi phục và hiện đã vượt qua được ngưỡng 1.260 điểm. Do đó, xu hướng trong ngắn hạn vẫn nghiêng về tích cực và chỉ số chính có thể hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.260-1.285 điểm trong thời gian tới.

"Xét về góc nhìn trung và dài hạn, thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quí III/2022", SHS cho biết.

Xét trong 2 quý cuối năm, Agriseco Research dự báo VN-Index sẽ hồi phục lên mức 1.400 – 1.500 điểm. Mặc dù vậy, việc chọn lọc các nhóm ngành và cổ phiếu để đầu tư sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn điểm số trong giai đoạn áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng.

Thống kê của các tổ chức kinh tế lớn và Agriseco Research chỉ ra rằng khi lạm phát ở ngưỡng cho phép thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời kỳ lạm phát gồm: Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay cũng như các năm tới và hưởng lợi khi lạm phát xảy ra.

Theo thống kê của Agriseco Research, trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn do lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên; Tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp nhóm này được hưởng lợi trong môi trường lạm phát. Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP có kỳ hạn trên 10 năm) tăng khiến tỷ lệ trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó phần nào giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Cũng theo Agriseco Research, trong giai đoạn bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành thiết yếu như điện, nước, dược phẩm, công nghệ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là nhóm ngành khá an toàn để đầu tư. 


Tác giả: Theo Khánh An/nhadautu.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...