“Cây đũa thần” từ kinh tế đêm
Các thành phố du lịch hàng đầu thế giới như Bangkok, Pattaya (Thái Lan), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc)… đang chọn phát triển kinh tế đêm như một “cây đũa thần” để thu hút khách, gia tăng nguồn thu.
Dòng người đổ về các sự kiện trong khuôn khổ lễ hội Vivid Sydney
Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp trợ cấp tiền mặt cho các hộ kinh doanh cũng như thúc đẩy giao thông công cộng vào ban đêm.
Tại Thượng Hải, những khu vực giải trí từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau đã được xây dựng. Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố phong cách Italia, phố ẩm thực, quảng trường, công viên...
Thạch Gia Trang - thủ phủ tỉnh Hà Bắc giảm giá điện cho các cửa hàng hoạt động muộn. Nam Kinh trở thành thành phố du lịch về đêm hằng năm…
Để kích hoạt thị trường, các tỉnh, thành phố tại Trung Quốc sẵn sàng giảm giá tiêu thụ điện, mở thêm nhiều hàng quán, dịch vụ. Không chỉ là phố đi bộ, khu ẩm thực, để phát triển kinh tế đêm, Trung Quốc còn đào sâu “mỏ vàng” bằng “mũi khoan” văn hóa.
Ví dụ điển hình là “Tám phường mười ba ngõ”, khu du lịch - văn hóa - thương mại - giải trí trọng điểm của thành phố Lâm Hạ (tỉnh Cam Túc), tiếp đón hơn 12 triệu lượt khách khi đi vào vận hành.
Mô hình này xác định đẩy mạnh phát triển văn hóa và kinh tế đêm, với việc tối ưu hóa thiết kế quy hoạch không gian, làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ, đưa nghệ thuật ánh sáng vào kiến trúc của toàn khu, để ánh đèn lung linh huyền ảo tôn lên vẻ đẹp của đền đài miếu mạo, những ngôi nhà cổ, cây cầu và dòng suối... Qua đó thu hút du khách đến trải nghiệm, chi tiêu mua sắm.
Từ năm 2023, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã công bố Kế hoạch “Night Vibes Hong Kong” nhằm nỗ lực hồi sinh kinh tế đêm.
Theo đó, Hồng Kông triển khai khu chợ đêm ở các địa điểm ven bờ biển, mở cửa từ 15 giờ đến nửa đêm, có khu ẩm thực và khu bán đồ lưu niệm, biểu diễn âm nhạc…
Khu ẩm thực cung cấp đồ ăn nhẹ mang đậm chất Hồng Kông và các loại thực phẩm khác, đồng thời các trung tâm mua sắm và nhà hàng gần đó cũng kéo dài thời gian hoạt động.
Cục Phát triển du lịch Hồng Kông ước tính số khách đến Hồng Kông năm 2024 khoảng 46 triệu lượt người, tăng 35% so với năm 2023. Thời gian lưu trú trung bình của du khách khoảng 3 đêm và mức tiêu dùng bình quân khoảng 5.800 HKD (18 triệu đồng Việt Nam), tương đương mức năm 2019.
Có thể thấy, du lịch đêm đã được quảng bá mạnh mẽ ngay sau đại dịch tại các thành phố của Trung Quốc để khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn, trải nghiệm các điểm tham quan độc đáo và chi tiêu nhiều hơn vào buổi tối.
Theo giới chức nước này, sự sôi động của kinh tế đêm là thước đo quan trọng về sức sống đô thị. Phát triển du lịch đêm sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Ngành du lịch Hàn Quốc đã sớm bắt đầu quảng bá hình ảnh đèn neon rực rỡ sắc màu của Seoul để khuyến khích du khách ở lại và chi tiêu.
Cuối năm 2024, video “Feel the Night of Korea” tiếp tục tái hiện bức tranh sống động về đêm với những trải nghiệm ẩm thực, vui chơi giải trí, tham quan của nhiều địa danh nổi tiếng tại đất nước Kim Chi như chợ đêm Seomun, nút giao Cheongdam, đảo Myeongseondo, cầu Woljeonggyo, Seouldal, lễ hội pháo hoa Busan, lễ hội Namgang Yudeung… Đến nay, clip đã đạt hơn 70 triệu lượt xem chỉ riêng nền tảng YouTube.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp để quảng bá sức hấp dẫn của du lịch đêm, tranh thủ cơ hội kích thích chi tiêu của du khách ngoài việc tụ tập trong nhà hàng và quán bar.
Nhờ đó, năm 2024, Hàn Quốc đã đón 16,37 triệu lượt khách quốc tế, tăng 48% so với năm trước và bằng 94% so với mức đỉnh cao của năm 2019.
Trong khi đó, Thái Lan lại vận hành vô cùng hiệu quả mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc tùng.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, doanh thu du lịch đã tăng 44% chỉ trong tháng cuối năm 2023, thu về tới 1,6 tỉ USD sau khi quốc gia này nới thời gian mở cửa cho các địa điểm giải trí đến 4 giờ sáng.
Thực tế, kinh tế đêm là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch Thái Lan kể từ sau đại dịch SARS năm 2003. Năm 2016, Bangkok đã vượt qua London (Anh) và New York (Mỹ) để đứng đầu danh sách “Thành phố đáng tham quan nhất” của Euromonitor, với gần 35 triệu lượt khách và doanh thu 71,4 tỉ USD.
Theo Bloomberg, mỗi du khách trung bình ở lại Bangkok 4,8 ngày và chi tiêu 184 USD/ngày, vượt xa các thành phố như New York và London.
Lợi ích kinh tế mà lễ hội đêm Vivid Sydney mang lại cho Sydney (Australia) cực kỳ ấn tượng. Năm 2019, sự kiện kéo dài 3 tuần thu hút khoảng 2,4 triệu du khách và kích thích chi tiêu lên tới 172 triệu USD.
Với việc bổ sung các sự kiện ẩm thực (Vivid Food) cùng màn trình diễn ánh sáng trên bầu trời khu vực Circular Quay của 1.000 máy bay không người lái, Vivid Sydney 2023 phá vỡ kỷ lục năm trước với hơn 3,28 triệu người tham gia.
Chuỗi sự kiện mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp tại các điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là khu thương mại trung tâm Sydney (CBD) trong suốt 23 đêm. Theo báo cáo, lượng khách lưu trú tại các khách sạn ở khu vực CBD trong suốt thời gian diễn ra lễ hội tăng 12% so với lễ hội năm 2022.
Đây chỉ là lát cắt trong bức tranh kinh tế đêm đa dạng của thủ đô đất nước Chuột Túi, với doanh thu 3,6 tỉ USD mỗi năm và thu hút gần 5.000 doanh nghiệp tham gia - ví dụ điển hình khẳng định tầm quan trọng của phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là tác động đến ngành du lịch.
Thành công trong phát triển kinh tế đêm của các nước là gợi ý cho các quốc gia đang phát triển du lịch trên hành trình khai phá “mỏ vàng” kinh tế đêm một cách bài bản.