Thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu
Bứt phá mạnh mẽ trong ngày tranh tài cuối cùng của đại hội, đoàn thể thao Việt Nam chính thức giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương của SEA Games 32.
Hai lần đứng đầu đại hội ở những lần tổ chức trên sân nhà (2003, 2021) đã là kỳ tích với thể thao Việt Nam. Trong lần cử lực lượng hùng hậu sang Campuchia kỳ này, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu thành tích vượt ngoài mong đợi với tổng số HCV lẫn thứ hạng chung cuộc.
Rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về thành công của các tuyển thủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến đông đảo người hâm mộ. Một năm trước chỉ giành HCĐ ở SEA Games 31 trên sân nhà, chàng lực sĩ trẻ quê Bạc Liêu Nguyễn Quốc Toàn đã tự thay đổi bản thân. Anh không chỉ lao vào tập luyện ngày đêm mà còn dũng cảm tăng trọng lượng cơ thể gần tròn chục ký theo yêu cầu của ban huấn luyện.
Lực sĩ trẻ Nguyễn Quốc Toàn truyền cảm hứng mạnh mẽ tại SEA Games 32.Ảnh: NGỌC LINH
Tăng cân để "né" nhà vô địch thế giới Rahmat Erwin Abdullah (Indonesia) ở hạng 81 kg, Quốc Toàn chấp nhận đối đầu với đương kim vô địch SEA Games Muhammad Zul Ilmi, cũng người Indonesia, ở hạng 89 kg. Quyết định hợp lý từ các HLV, thêm vào đó là bài thi hoàn hảo của Quốc Toàn đã giúp anh giành HCV, đồng thời phá 3 kỷ lục đại hội.
Có phần e dè trước bài thi quá ấn tượng của Quốc Toàn, Zul Ilmi chỉ có thể về nhì với tổng cử 328 kg, kém tới 17 kg. Chiến thắng quá xứng đáng dành cho chàng trai miền Tây chưa một lần được tập huấn nước ngoài nhưng đã thành công ở lần xuất ngoại đầu tiên. Cùng với tấm HCV hạng trên 89 kg nam của đồng đội Trần Đình Thắng, Quốc Toàn góp công quan trọng vào màn "khóa đuôi" ngọt ngào, giúp cử tạ Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng (4 HCV), chỉ xếp sau Indonesia.
Ở chung kết nội dung đồng đội hỗn hợp môn judo, Việt Nam gặp Thái Lan và giành chiến thắng nhờ màn trình diễn của nữ võ sĩ 19 tuổi Dương Thanh Thanh. Mới lần đầu dự SEA Games, ở trận đấu quyết định với võ sĩ người Nhật Bản nhập tịch Oeda Ikumi, Thanh Thanh tung ra đòn đánh đẹp mắt, thắng điểm ippon ngoạn mục khiến Oeda Ikumi "chết lặng". Điểm số 4-3 nghiêng về cho tuyển Việt Nam, mang lại tấm HCV thứ 8, giành luôn ngôi nhất toàn đoàn ở môn võ judo - kết quả vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.
Vật cũng bội thu thêm 4 ngôi vô địch giành được do công của Nguyễn Xuân Định, Ngô Thế Sao, Cấn Tất Dự và Ngô Văn Lâm. Vật trở thành một trong những môn mang về nhiều thành tích nhất cho đoàn Việt Nam với 13 HCV, chiếm luôn vị trí số 1 ở các nội dung vật cổ điển, vật tự do với 30 nội dung tại SEA Games 32.
Một kỳ đại hội thành công ở rất nhiều bộ môn cùng với chiến tích số 1 toàn đoàn chính là bệ phóng để thể thao Việt Nam bay cao, vươn xa đến những tầm cao mới ở cấp độ châu lục và thế giới. Đó chính là mục tiêu mà mọi nền thể thao đều hướng tới.