Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31 (*): Quần vợt Việt Nam: Thăng tiến hay sa sút?
Đội tuyển quần vợt Việt Nam bổ sung lực lượng hùng hậu tham dự SEA Games 31, nhưng không thể hoàn thành mục tiêu đoạt ít nhất 2 tấm huy chương vàng.
Quần vợt Việt Nam chỉ giành 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ ở 7 nội dung thi đấu SEA Games 31, xếp thứ 2 toàn đoàn, thành tích của tuyển quần vợt Việt Nam chỉ ngang bằng kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2019 dù bổ sung nhiều tay vợt Việt kiều.
Lý Hoàng Nam vượt tầm Đông Nam Á
Với vị thế 477 thế giới hiện tại, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV nội dung đơn nam quần vợt SEA Games 31. Tuy nhiên, thành tích của Hoàng Nam ở sân chơi kỳ này không nhiều ý nghĩa bằng tấm HCV lịch sử mà anh đoạt được ở kỳ SEA Games 30 diễn ra tại Philippines năm 2019.
Trong 2 năm trở lại đây, Hoàng Nam là tay vợt có đẳng cấp vượt trội các đồng nghiệp khu vực Đông Nam Á. Hơn một năm không thể thi đấu quốc tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có lúc văng khỏi tốp 500 thế giới nhưng khi có cơ hội tham dự các giải quần vợt nhà nghề, tay vợt 25 tuổi gốc Tây Ninh nhanh chóng lấy lại vị thế trên bảng xếp hạng ATP bằng những chức vô địch giải nhà nghề cuối năm 2021.
Vì vậy, khi tham dự SEA Games 31, so tài với các đấu thủ nằm ngoài tốp 700 ATP, Hoàng Nam với vị thế hạt giống số 1 đơn nam, được người hâm mộ kỳ vọng sẽ giúp đội tuyển quốc gia gặt hái nhiều hơn 1 tấm HCV. Tay vợt sinh năm 1997 tham dự 2 nội dung: đơn nam và đồng đội nam nhưng chỉ bảo vệ thành công ngôi vô địch đơn nam.
Với tấm HCV SEA Games thứ 2 liên tiếp trong sự nghiệp, Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt xuất sắc nhất lịch sử quần vợt Việt Nam và nhận số tiền thưởng lên đến 2 tỉ đồng. Nói về tấm HCV SEA Games 31, Hoàng Nam cho biết: "Thật hạnh phúc khi giành HCV SEA Games tổ chức tại sân nhà. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được trận chung kết, chạm trán Trịnh Linh Giang, người bạn đã tập luyện chung với tôi hơn chục năm qua. Linh Giang đã cố gắng rất nhiều và tôi nghĩ cậu ấy sẽ sớm thành công".
Lý Hoàng Nam hiện vẫn là hy vọng duy nhất giúp quần vợt Việt Nam gặt hái thành tích cao ở đấu trường quốc tế. (Ảnh: THANH THÚY)
Cần nâng chất quần vợt Việt Nam
Thành tích ấn tượng của Hoàng Nam phần nào khỏa lấp khuyết điểm của đồng đội tuyển quần vợt Việt Nam. Ở nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ và đơn nữ, quần vợt Việt Nam dù được thi đấu trên sân nhà với sự góp mặt của nhiều tay vợt Việt kiều nhưng thành tích đạt được kém hơn so với kỳ SEA Games 30.
Với kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dạn và vị thứ xếp hạng thế giới cao hơn các đồng đội, 2 nữ tay vợt Việt kiều Savanna Ly Nguyen và Chanelle Van Nguyen được ban huấn luyện giao trọng trách thi đấu ở nội dung đơn nữ. Savanna Ly Nguyen từng đoạt HCB đơn nữ SEA Games 30 trong khi Chanelle Van Nguyen (hạng 394 WTA) được xếp hạng hạt giống số 1 nhờ thứ hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vì thể trạng thua kém các đối thủ của Thái Lan, Savanna Ly Nguyen sớm bị loại ngay vòng 1 trong khi Chanelle Van Nguyen chỉ có thể giành tấm HCĐ chung cuộc. Trước đó, 2 tay vợt Việt kiều này cũng không thể giúp tuyển quần vợt Việt Nam vượt qua cặp đôi của Thái Lan trong trận tranh HCV nội dung đồng đội nữ và hoàn toàn "trắng tay" ở nội dung đôi nữ.
Ở nội dung đôi nam, quần vợt Việt Nam có "vua lưới" Lê Quốc Khánh, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Văn Phương thi đấu. Dù lực lượng được trẻ hóa và nâng tầm chất lượng nhưng đội chủ nhà vẫn phải trông cậy nhiều vào kinh nghiệm thi đấu của tay vợt 40 tuổi Lê Quốc Khánh để hướng tới mục tiêu giành vàng. Tuy nhiên, gánh nặng tuổi tác của Quốc Khánh cùng sự non kém bản lĩnh thi đấu của các đàn em khiến tuyển quần vợt Việt Nam giành 2 HCĐ ở nội dung này.
Thành tích đạt được tại SEA Games 31 thể hiện chất lượng chuyên môn của các tay vợt Việt kiều vẫn chưa cao, lộ khuyết điểm về thể lực. Hạn chế trong tập luyện và thi đấu cùng nhau cũng khiến sự phối hợp giữa các tay vợt nữ quốc gia chưa nhuần nhuyễn khi thi đấu các nội dung đồng đội.
Những tay vợt đang khoác áo tuyển quốc gia không thể liên tục duy trì phong độ khi bước qua ngưỡng tuổi đỉnh cao sự nghiệp. Hoàng Nam, Linh Giang hay Minh Tuấn chỉ còn chưa đầy 5 năm sẽ bước sang tuổi 30 và khoảng thời gian này cũng là lúc để Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cần sớm tính đến kế hoạch đào tạo lớp tuyển thủ đủ trình độ để kế thừa, tham dự các đấu trường như Davis Cup hay SEA Games.
Để có thể gặt hái thành công ở đấu trường quốc tế, quần vợt Việt Nam cần đầu tư từ gốc, tuyển chọn, đào tạo các tay vợt trẻ, năng khiếu và tạo điều kiện thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp theo hướng mà CLB Hải Đăng (Tây Ninh) đang thực hiện hiệu quả với lứa Hoàng Nam, Linh Giang hay Văn Phương...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-5.
Kỳ tới: Phái nữ lên ngôi