• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không nên đánh giá thực lực của các đội tuyển thông qua bảng xếp hạng FIFA

Đội tuyển Bỉ từng có thời gian thống trị bảng xếp hạng FIFA trong 3 năm liên tiếp nhưng "Quỷ đỏ" chưa từng đủ bản lĩnh để trở thành nhà vô địch ở bất cứ giải đấu chính thức nào.

Không nên đánh giá thực lực của các đội tuyển thông qua bảng xếp hạng FIFA

Bỉ đứng thứ 3 trong lịch sử về thời gian duy trì vị trí số 1 trên bảng xếp hạng FIFA. Ảnh: The Athletic

Eden Hazard là cầu thủ xuất sắc, được coi là huyền thoại của Chelsea và là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Bỉ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trái với các thành tích cụ thể trong màu áo câu lạc bộ, Hazard chỉ có được "danh hiệu" đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng FIFA ở cấp độ đội tuyển.

Đội tuyển Bỉ trong thời điểm Hazard còn thi đấu đã đứng đầu bảng xếp hạng FIFA trong hơn 3 năm (từ tháng 10.2018 đến tháng 2.2022). Không những xếp ở ngôi vị đầu tiên, Bỉ còn có thời gian duy trì vị trí số 1 thế giới đứng thứ 3 trong lịch sử kể từ khi bảng xếp hạng FIFA ra đời vào năm 1992. Dù thứ hạng của đội tuyển Bỉ rất tốt trên bảng xếp hạng FIFA nhưng kết quả của họ tại EURO hay World Cup lại chưa lần nào phản ánh theo logic số thứ tự ấy.

Thế hệ vàng của đội tuyển Bỉ chưa có được bất kỳ danh hiệu lớn nào. Ảnh: AFP

Dù thống trị bảng xếp hạng FIFA nhưng thế hệ vàng của đội tuyển Bỉ chưa từng giành bất kỳ danh hiệu lớn nào. Ảnh: AFP

Các đội tuyển quốc gia chỉ thi đấu từ 10 - 12 trận mỗi năm. Những đội tuyển lớn sẽ có nhiều trận chỉ phải gặp các đối thủ "hạng lông". Ngoài ra, các đội tuyển cũng đá giao hữu quốc tế nhiều. Vì vậy, những điểm số giành được trên bảng xếp hạng FIFA chưa chắc đã phản ánh đúng thực lực.

Điều này trái ngược hoàn toàn với những môn thể thao như tennis, billiard hay golf, nơi những người giỏi nhất thế giới thường xuyên tham gia cùng một giải đấu và thi đấu trực tiếp với nhau. Khi đó, việc xây dựng một hệ thống xếp hạng công bằng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với bóng đá.

Ví dụ cụ thể nhất là câu chuyện của nữ tay vợt Dinara Safina. Vào tháng 4.2009, Safina từng trở thành tâm điểm một cuộc tranh luận khi cô trở thành tay vợt được xếp hạng số 1 WTA dù chưa từng vô địch Grand Slam.

Dinara Safina và Kim Clijster trở thành đối thủ lớn nhất của Serena Williams trong năm 2009. Ảnh: AFP

Dinara Safina và Kim Clijster từng trở thành đối thủ lớn nhất của Serena Williams trong năm 2009. Ảnh: AFP

Thứ hạng của Dinara Safina đã gây ra phản ứng dữ dội, trong đó có cả Serena Williams, người từng giành được 2 danh hiệu Grand Slam trước khi Safina lần đầu tiên đoạt được ngôi vị số 1 thế giới. Sau khi vô địch Wimbledon vào tháng 7.2009, cô em nhà Williams tỏ ra vô cùng khó hiểu với cách tính điểm của hệ thống WTA.

Serena Williams chia sẻ: “Nếu bạn giành được 3 danh hiệu Grand Slam trong 1 năm, bạn sẽ là số 1 nhưng điều này không xảy ra với bảng xếp hạng WTA. Có lẽ tôi sẽ cố gắng giành thêm một Grand Slam nữa và vẫn tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2”.

Sau phát biểu của Serena Williams, Dinara Safina dường như đã bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý. Trên thực tế, sau thành tích giành ngôi vị số 1 bảng xếp hạng WTA, tay vợt người Nga chỉ thi đấu đỉnh cao thêm 3 năm (tới 2012) và tuyên bố giải nghệ vào năm 2014. Đáng chú ý, Safina vẫn chưa từng một lần bước lên đỉnh vinh quang tại các giải Grand Slam.

“Tôi cảm thấy thật ngu ngốc khi nói mình là số 1 thế giới” - Safina thú nhận.

Trái ngược với câu chuyện của Safina, tay vợt Andy Murray từng chia sẻ, đã nhận được vô vàn những lời chúc mừng sau lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng ATP vào tháng 11.2016. Tay vợt của Vương quốc Anh nói, anh chưa bao giờ nhận được nhiều tin nhắn như vậy kể cả thời điểm giành Grand Slam.

Các tay vợt chuyên nghiệp rất coi trọng ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng đơn quần vợt bởi nó là thước đó chính xác giúp họ nhìn lại thành tựu đã đạt được trong một năm thi đấu.

Andy Murray kết thúc năm 2016 thành công với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ATP. Ảnh: AFP

Andy Murray kết thúc năm 2016 thành công với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ATP. Ảnh: AFP

Thành công trong thể thao không nên được đánh giá dựa trên các thuật toán. Trình độ thật sự của mỗi cá nhân hoặc tập thể nên được nhìn nhận dựa trên màn trình diễn tại các giải đấu tầm vóc quốc tế và tinh thần của họ trong mọi trận đấu.

Trong bóng đá, sự tranh cãi về vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng FIFA không gay gắt như tennis. Những cầu thủ và người hâm mộ môn thể thao vua gần như không có căng thẳng hay bất kì cuộc tranh luận nào về vấn đề này. Đối với họ, bảng xếp hạng FIFA chỉ là thước đo cho thấy sự tiến bộ của các nền bóng đá. Hoặc đơn thuần, nó giúp các giải đấu phân chia hạt giống.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết