• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu thủ Việt Nam cần cân nhắc kỹ trước khi xuất ngoại

Xuất ngoại thi đấu chưa bao giờ là dễ dàng với cầu thủ Việt Nam, kể cả những ngôi sao tài năng nhất.

Cầu thủ Việt Nam cần cân nhắc kỹ trước khi xuất ngoại

Hoàng Đức có thể xuất ngoại sau mùa giải 2023-2024. Ảnh: Minh Dân

Thành công khá ít

Đến thời điểm này, Huỳnh Như được xem là cầu thủ xuất ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam. Nữ tiền đạo sinh năm 1991 thi đấu nổi bật, có đóng góp lớn cho Lank FC ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Ngược về quá khứ, tiền đạo Nguyễn Xuân Nam thi đấu xuất sắc ở giải bóng đá Lào và là ngôi sao sáng giá nhất của SHB Viêng Chăn.

Từ thời của các danh thủ như Huỳnh Đức, Việt Thắng rồi đến Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Quang Hải, Văn Hậu..., thành công ở ngoài biên giới Việt Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải. Quang Hải tiệm cận với đẳng cấp quốc tế nhất bởi anh đã kịp ghi 1 bàn thắng cho Pau FC, dù mất tích ở giai đoạn sau của mùa giải.

Nhìn tổng thể, cầu thủ Việt Nam vẫn chưa vượt lên được giới hạn của bản thân cũng như cả nền bóng đá. Môi trường thi đấu, chênh lệch trình độ, khả năng thích nghi hay những tiểu tiết như ngoại ngữ đều là rào cản ngăn cản Quang Hải và đồng đội.

“Thành công khi ra nước ngoài thi đấu là mục tiêu của bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào. Chúng ta không nên chê trách họ nếu thất bại xảy ra. Thực tế, họ vẫn đang là những người đi tiên phong để mở đường cho bóng đá Việt Nam trong giấc mơ xuất khẩu cầu thủ. Có điều, bản thân cầu thủ và ê kíp đứng sau phải đánh giá đúng năng lực bản thân, môi trường thi đấu để có quyết định phù hợp”, bình luận viên Quang Tùng nhận định.

Thời gian gần đây xuất hiện thông tin Nguyễn Hoàng Đức chia tay Thể Công Viettel và sẵn sàng ra nước ngoài thi đấu. Tiền vệ sinh năm 1998 có điểm mạnh và điểm yếu riêng nếu đặt lên bàn cân so sánh với đàn anh Quang Hải. Chưa có gì đảm bảo Hoàng Đức sẽ thành công cùng quyết định dũng cảm của mình.

Đâu là điểm đến phù hợp?

Khi được hỏi về điểm đến phù hợp của cầu thủ Việt Nam, huấn luyện viên Velizar Popov (Thanh Hóa) cho biết: “Tôi không nghĩ Thái Lan là một địa điểm phù hợp để cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu. Bóng đá ở đây không quyết liệt và mạnh mẽ như V.League. Tất nhiên, cầu thủ Việt Nam chưa chắc được đá chính nhưng cũng khó cải thiện đột phá về trình độ chuyên môn. Nếu được các đội bóng hàng đầu Thai League 1 thì rất tốt, nhưng họ không trả thu nhập cao, cầu thủ Việt Nam cần chấp nhận điều này”.

Huấn luyện viên người Bulgaria mạnh dạn cho rằng Quang Hải, Hoàng Đức hãy gạt bỏ áp lực dư luận để chọn các điểm đến phù hợp với trình độ. Đó có thể là các đội bóng ở J.League 2, K.League 2 hoặc các đội bóng ở nửa dưới bảng xếp hạng của J.League 1, K.League 1.

Thậm chí, ông Popov còn đưa ra gợi ý về các điểm đến không nhiều người nghĩ tới như UAE và Saudi Arabia.

“Trình độ bóng đá của các quốc gia Tây Á là điều không phải bàn cãi. Tôi biết họ vẫn có sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng trả mức giá không tệ để các cầu thủ sang chơi bóng. Tại sao cầu thủ Việt Nam không mạnh dạn thử sức mình”, ông Popov đặt câu hỏi.

Sau ngần ấy bước chân mở đường của hàng loạt ngôi sao, có thể nhận định rằng châu Á vẫn là mảnh đất phù hợp nhất để bóng đá Việt Nam khai phá. Xuất khẩu cầu thủ có thể mang đến nhiều lợi ích từ chuyên môn, tài chính cho cầu thủ, câu lạc bộ V.League và cả nền bóng đá Việt Nam.

Đã đến lúc các nhà quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận “dòng tiền” có thể xuất hiện từ việc đào tạo và bán cầu thủ ra nước ngoài. Không thể chỉ trông chờ vào màn tỏa sáng cá nhân rồi mặc kệ cầu thủ loay hoay tìm đường như cách Quang Hải từng làm.

Một hệ thống quy củ cần được xây dựng để chuẩn bị mọi kỹ năng và nền tảng cho các ngôi sao bóng đá, trước khi họ chinh phục đỉnh cao bên ngoài biên giới Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết