• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bóng đá Việt Nam chưa thể trở lại khi còn chưa… chạm đáy

Người ta từng nghĩ rằng, bóng đá Việt Nam đã chạm đáy để từ đó bật lên mạnh mẽ hơn trên con đường chuyên nghiệp. Nhưng hóa ra không phải…

Bóng đá Việt Nam chưa thể trở lại khi còn chưa… chạm đáy

Giai đoạn này đang có nhiều chuyện không hay xảy ra ở V.League, nhưng có khi cần như thế để quyết tâm hơn nữa trong việc thay đổi. Ảnh: NĐFC

10 năm trước đã chạm đáy...

Thực ra là hơn 10 năm trước, khoảng thời gian của năm 2012 và 2013 được giới chuyên môn nhìn nhận như một cuộc khủng hoảng toàn diện. Truyền thông đồng loạt dùng khái niệm “chạm đáy” để diễn đạt về sự đi xuống nghiêm trọng của bóng đá Việt Nam thời điểm đó.

Hàng loạt đội bóng bị giải thể, gặp khó khăn trong việc thuyết phục, tìm kiếm đơn vị tài trợ, lãnh đạo VFF buông xuôi trong năm cuối của nhiệm kỳ, VPF mất một trong những đầu tàu, đội tuyển quốc gia thất bại ê chề, đội U23 cũng ở hoàn cảnh tương tự, với những sai lầm khi chọn huấn luyện viên và chuẩn bị cho SEA Games...

Thời điểm đó, khi rơi vào cảm giác “chán không thể diễn tả nổi nữa”, người hâm mộ cũng như giới chuyên môn hy vọng bóng đá Việt Nam đã chạm đáy của cuộc khủng hoảng, để từ đó, tất cả cùng đồng lòng để làm lại, tạo sức bật từ cảm giác đau đớn tận cùng.

Tưởng trở lại nhưng vẫn chưa phải

Sự xuất hiện của huấn luyện viên Park Hang-seo cùng thành công của đội tuyển quốc gia, của đội U23 khiến người hâm mộ tưởng như việc “chạm đáy” của một vài năm trước đó đã mang đến hiệu quả. Đúng là chất lượng ở V.League có sự chuyển biến và khi người ta nói thành công của đội tuyển quốc gia phản ánh sức mạnh của bóng đá nội, nói bóng đá Việt Nam trở lại cũng không sai.

Nhưng sự trở lại đó, trên thực tế, cũng chỉ trên khía cạnh giai đoạn, với chính xác là sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bởi sau 5 năm thành công là một quá trình đi xuống khác. Trong nỗ lực đi lên tìm kiếm triết lý mới và nâng tầm trình độ khi giao thời cùng huấn luyện viên Philippe Troussier, đội tuyển quốc gia và đội U23 thất bại. Nhưng nếu trách nhiệm từ huấn luyện viên người Pháp là 1, trách nhiệm của bóng đá Việt Nam phải gấp 10 lần như thế.

Vì xét cho cùng, bóng đá Việt Nam đã không chuẩn bị một nền tảng đủ vững vàng. Thành công dưới thời ông Park, như đã nói, chỉ mang tính giai đoạn, để khi ông Troussier rời đi và những gì xảy ra gần đây, người ta mới thấy có khi bóng đá Việt Nam vẫn đang rơi mà chưa… chạm đáy.

Cần chạm đáy thực sự

Điều gì xảy ra khi VFF vừa bổ nhiệm ông Kim Sang-sik cho đội tuyển quốc gia và U23? Là một vài trận đấu ở V.League được nhìn nhận ở góc độ “hậu trường”, là chuyện các cầu thủ dùng chất cấm, một vài nhân tố khác bị điều tra vì nghi ngờ tiêu cực, là những bàn tay phía sau điều khiển cuộc chơi, vượt mặt cả huấn luyện viên trưởng và nhiều điều khác nữa.

Phải chăng, bóng đá Việt Nam lại “chạm đáy” lần 2? Nếu chạm đáy về thành tích rồi sau đó lại có giai đoạn thăng hoa, liệu đó có gọi là chạm đáy? Có lẽ, chính việc xảy ra những vấn đề bên lề như thời gian qua lại là điều đủ (cùng điều kiện cần là thành tích bết bát) để sự chạm đáy thực sự tạo nên một cú đấm (không phải cú hích) có trọng lượng, tác động đến tư duy làm bóng đá.

Cuộc chơi của sự phụ thuộc vào giai đoạn hay “ngắt ngọn” đã qua lâu rồi. Thế giới xung quanh đã chú trọng đến tính nền tảng từ lâu, để dù có giai đoạn nào đó không tốt về thành tích thì vẫn có đủ nền tảng và cơ sở để trở lại trong một thời gian ngắn, không phải loay hoay xem đập bỏ, sửa chữa hay thậm chí làm lại từ điểm nào.

Ở góc độ nào đó, cũng có thể cần thêm nữa những vấn đề tiêu cực bị phanh phui để “chạm đáy nhanh hơn” và sau đó bật lên bằng sự thức tỉnh. Nghe có thể đau, nhưng cần!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết