WHO: Covid-19 khu vực có Việt Nam tăng vọt 52%, có nước chiếm 1/7 số ca thế giới
Số ca Covid-19 trong tuần qua ở Tây Thái Bình Dương tăng nhanh nhất thế giới với mức 52% so với tuần trước, trở thành khu vực có số ca cao thứ 2 toàn cầu, "soán ngôi" châu Mỹ.
Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuya 27-7 (giờ Việt Nam), trong tuần thống kê mới nhất (từ ngày 18 đến 24-7) toàn thế giới đã có thêm 6,6 ca Covid-19, trong đó phần lớn tập trung ở khu vực châu Âu và Tây Thái Bình Dương của WHO.
Châu Âu vẫn có số ca cao nhất là hơn 2,4 triệu, tuy nhiên đã giảm so với số ca của tuần trước đó 25%. Tây Thái Bình Dương của WHO, là khu vực có Việt Nam, có đến gần 2,2 triệu ca mới trong tuần, tăng 52% so với tuần trước, cũng là mức tăng cao nhất toàn cầu.
Quốc gia gây chú ý nhất Tây Thái Bình Dương là Nhật Bản với số ca khủng là 969.068 ca, tương đương gần 1/7 số ca toàn cầu, hơn 1/2 số ca toàn châu Mỹ và gấp nhiều lần số ca các khu vực còn lại. Số ca khủng cũng kéo theo số ca tử vong tăng 66% so với tuần trước là 272 ca, nhưng đây vẫn là tỉ lệ thấp.
Hai nước có số ca khủng khác ở Tây Thái Bình Dương là Hàn Quốc (449.856 ca, tăng 80%); Úc (376.260 ca, tăng 64%). Số ca tử vong cao nhất Tây Thái Bình Dương thuộc về Úc, đất nước đang rơi vào mùa đông, với 514 ca.
Trên bản đồ dịch tễ của khu vực này, vẫn còn vài nước có màu vàng nhạt (số ca mới thấp, tỉ lệ dưới 10/100.000 dân) nhưViệt Nam, Lào, Campuchia...
Ngoài Tây Thái Bình Dương có khu vực Đông Địa Trung Hải tăng về số ca so với tuần trước (45%) và Đông Nam Á tăng 13%, tuy nhiên về số ca thì còn thấp (lần lượt 196.613 ca và 177.722 ca).
Châu Mỹ tiếp tục giảm 12% nhưng do tuần trước đó số ca khu vực này cao nên mức "đã giảm" vẫn là hơn 1,6 triệu ca, trong khi khu vực châu Phi chỉ còn gần 11.000 ca, giảm tiếp 44%.
Trong tuần cũng có 193.561 trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã khắp thế giới và tổng hợp về cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID để giám sát biến chủng. Tỉ lệ các biến chủng không biến động nhiều, dòng ưu thế vẫn là BA.5 Omicron, chiếm 52% trình tự gien toàn cầu.