• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ tại Mỹ tăng cao trở lại

Các nhà nghiên cứu vừa công bố, đại dịch có thể làm gián đoạn quá trình phát hiện chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm tra giám sát và Phòng chống dịch bệnh công bố, tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em Mỹ bắt đầu tăng cao từ năm 2018 đến năm 2020.

Vào năm 2020, ước tính cứ 36 trẻ 8 tuổi sẽ có một trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển, tăng từ 1/44 trẻ vào năm 2018. Tỷ lệ phổ biến là khoảng 4% ở bé trai và 1% ở bé gái.

Sự gia tăng này không có nghĩa là bệnh tự kỷ đã trở nên phổ biến hơn ở trẻ em, mà có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như nâng cao nhận thức và sàng lọc.

Tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ tại Mỹ tăng cao trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng rõ rệt ở trẻ em da đen, gốc Tây Ban Nha và Châu Á hoặc Đảo Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ở trẻ 8 tuổi trong các nhóm này cao hơn so với trẻ em da trắng.

Nhìn chung, tỷ lệ trẻ 8 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Mỹ tăng từ 2,3% trong năm 2018 lên 2,8% trong năm 2020. Tỷ lệ tăng này phản ánh sự phát triển trong khả năng phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Báo cáo lần này có thể phản ánh việc sàng lọc, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ giữa các nhóm tuổi chưa được quan tâm nhiều trước đó".

Một nghiên cứu đi kèm vừa được công bố cho rằng, đại dịch COVID-19 có thể đã làm gián đoạn hoặc trì hoãn việc phát hiện bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ.

Đối với phân tích này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh tỷ lệ trẻ 4 tuổi mắc bệnh tự kỷ vào năm 2020 với những năm trước đó. Qua khảo sát, trong 6 tháng trước khi đại dịch diễn ra, việc đánh giá và xác định bệnh tự kỷ ở trẻ 4 tuổi cao hơn so với 4 năm trước.

Tuy nhiên sau tháng 3/2020, khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch, số trẻ mắc tự kỷ đã giảm mạnh. Tỷ lệ này duy trì dưới mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2020.

Tiến sĩ Catherine Lord, giáo sư tâm thần học tại Đại học California cho biết, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, các bậc cha mẹ ít đưa con mình đi khám bệnh tự kỷ. Đồng thời, việc đóng cửa trường học và chuyển sang học tập từ xa cũng khiến các nhà giáo dục khó xác định những trẻ em có biểu hiện của bệnh.

Tiến sĩ Karen Remley, Giám đốc Trung tâm quốc gia về dị tật bẩm sinh và phát triển của CDC cũng cho rằng: "Dữ liệu trong báo cáo này có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch đối với việc xác định sớm bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ".

Cả hai nghiên cứu đều dựa trên dữ liệu giám sát từ 11 cộng đồng tham gia vào mạng lưới giám sát bệnh tự kỷ và khuyết tật phát triển của CDC. Mạng lưới đã ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ mắc chứng tự kỷ kể từ năm 2000, khi ước tính có khoảng 1 trong số 150 trẻ 8 tuổi mắc chứng tự kỷ.

Dù vậy, CDC cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn từ các địa điểm khác nhau để có thể cung cấp thông tin, số liệu toàn diện nhất.


Tác giả: Huyền Trang (Nguồn The New York Times)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...