Trẻ mắc viêm tiểu phế quản khi nào cần gặp bác sĩ?
Viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nguyên nhân phổ biến là do virus gây ra. Vào mùa đông và thời gian đầu của mùa xuân, khi thời tiết ở miền Bắc lạnh và ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ ở tuổi này dễ mắc hơn những nhóm tuổi khác là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và còn yếu. Khi bị bệnh các ống tiểu phế quản của trẻ sẽ phù nề và xuất tiết dịch, làm cản trở quá trình lưu thông khí qua phổi, từ đó dẫn tới tình trạng khó thở.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus tấn công vào tiểu phế quản dẫn đến viêm. Trong đó thủ phạm chính là virus hợp bào có tên khoa học là "Respiratory Syncytial virus" - RSV.
Ngoài ra, một số virus khác như virus cúm hay cảm lạnh thông thường cũng góp phần là nguyên nhân khiến người bệnh mắc viêm tiểu phế quản.
Hàng năm vào mùa đông, các bệnh viện ở nước ta ghi nhận nhiều ca nhiễm RSV ở đối tượng bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi, do RSV có ít nhất hai chủng nên trẻ nhỏ đều có thể tái phát căn bệnh này.
Biểu hiện khi mắc viêm tiểu phế quản
Xuất phát điểm có triệu chứng như cảm lạnh thông thường, bệnh nhân viêm tiểu phế quản sẽ có dấu hiệu đặc trưng như bị nghẹt mũi, sổ mũi, sau đó phát triển thành ho, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Một số trường hợp trẻ còn bị viêm tai giữa.
Đối với những trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản do sinh non, bị bệnh phổi hoặc tim, trẻ khó ăn… thì phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện hay các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
Nhịp thở nhanh theo tuổi (trẻ dưới 2 tháng: >60 lần/phút; từ 2 - 12 tháng: >50 lần/phút; từ 12 tháng - 5 tuổi: >40 lần/phút).
Mỗi lần hít vào xương sườn lõm xuống.
Nôn, thở khò khè .
Trẻ thờ ơ, hoạt động hoặc phản ứng chậm chạp.
Biến chứng nặng bao gồm: Màu da và môi trở nên xanh hoặc tím tái dần đi, mất nước, suy hô hấp , ngưng tim, ngưng thở.
Khi bệnh diễn biến nặng gây suy hô hấp ở trẻ, bệnh nhi sẽ phải đặt ống nội khí quản để trợ thở. Đối với những trường hợp trẻ có các bệnh lý nền, hệ thống miễn dịch yếu thì gia đình cần phải theo dõi sát sao, nhằm kiểm soát bệnh từ sớm và điều trị kịp thời.
Khi nào trẻ bị viêm tiểu phế quản nên đi khám bác sĩ?
Trẻ bị ho và có biểu hiện viêm tiểu phế quản thì khi nào cần đến gặp bác sĩ là những thắc mắc của các bậc cha mẹ. Thực tế cho thấy ở giai đoạn đầu, trẻ có những triệu chứng giống với tình trạng cảm cúm thông thường, nhưng nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường về đường hô hấp dưới đây thì cần đi khám bác sĩ ngay:
Trẻ hay quấy khóc, ho nhiều và xuất hiện khó thở sau khi ho.
Sốt cao.
Trẻ bỏ bú, bỏ ăn.
Ngủ nhiều, ngủ li bì, một số trường hợp ngủ ngay cả khi đang bú.
Khô miệng và không đi tiểu trong khoảng từ 6 đến 8 tiếng.
Thở nhanh, khó thở, tức ngực .
Thóp đầu của trẻ bị lõm vào trong.
Đối với những trẻ sinh non hoặc mắc các bệnh tim, phổi bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch… cha mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận hơn và kịp thời đưa trẻ đến viện trong trường hợp cần thiết.
Lời khuyên thầy thuốc
Do virus là nguyên nhân chính dẫn đến viêm tiểu phế quản, chính vì vậy để ngăn chặn mầm bệnh thì cha mẹ cần tuân thủ các biện pháp như rửa tay thường xuyên với xà phòng, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho trẻ.
Nếu trẻ bị mắc bệnh thì cần cách ly trẻ tại nhà một thời gian, cho đến đến khi trẻ khỏi hẳn, để tránh lây sang trẻ khác.
Cách phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ mà phụ huynh có thể áp dụng:
- Khi ho, hắt hơi cần che miệng, mũi bằng khăn giấy và sau đó vứt rác thải lây nhiễm vào sọt rác đúng nơi quy định. Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn để sát khuẩn.
- Lau dọn, khử trùng bề mặt, vật dụng trong nhà, những vật mà mọi người sử dụng chung thường xuyên.
- Sử dụng đồ cá nhân riêng biệt như cốc nước, khăn lau mặt… để tránh lây nhiễm với người khác.
- Nếu ở gần những người có dấu hiệu viêm tiểu phế quản như bị sốt, cảm lạnh… thì cần hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang.
- Mẹ cần cho con bú trong vòng 6 tháng đầu đời để hệ miễn dịch của con được đảm bảo, nâng cao khả năng phòng bệnh.
- Ngoài ra, tiêm phòng cúm cho trẻ hàng năm cũng giúp ngăn ngừa giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm, trong đó có viêm tiểu phế quản.