• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sốt xuất huyết: 7 lầm tưởng phổ biến và hệ quả khôn lường

Là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, sốt xuất huyết rất phổ biến tại Việt Nam, tuy vậy, vẫn có không ít lầm tưởng về bệnh gây hậu quả đáng tiếc.

Sốt xuất huyết chỉ bị một lần trong đời

Có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết, gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mỗi lần mắc bệnh, cơ thể chỉ tạo miễn dịch với tuýp virus đó, nên nguy cơ mắc bệnh do các tuýp còn lại vẫn tồn tạii. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhiễm TP HCM, từ lần thứ hai mắc bệnh, nguy cơ trở nặng sẽ tăng cao.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về những hiểu lầm phổ biến về bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Takeda - Dự án tọa đàm về sốt xuất huyết

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về những hiểu lầm phổ biến về bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Takeda - Dự án tọa đàm về sốt xuất huyết

Muỗi lây bệnh chỉ có ở những nơi ao tù nước đọng

PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết muỗi vằn xuất hiện ở mọi nơi, kể cả nhà cao tầng. Muỗi vằn cũng ưa thích những chỗ nước sạch để lâu ngày. Chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên dọn vệ sinh, không để nước tồn đọng quanh không gian sống để phòng sốt xuất huyết hiệu quả.

Hết sốt là hết bệnh

Theo các bác sĩ, sau khi hạ sốt, bệnh nhân có nguy cơ bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong rất cao. Đồng thời, BS. Khanh cho biết, triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn khi mắc sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân nhầm với bệnh cảm cúm. Kể cả khi bị xuất huyết dưới da, nhiều người vẫn nghĩ chỉ là do dị ứng hoặc chỉ là sốt xuất huyết nhẹ, dẫn đến chủ quan, không kịp thời điều trị. Do đó, BS. Khanh khuyên người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám khi sốt liên tục từ 2 ngày trở lên không rõ nguyên nhân.

Chỉ có trẻ em mới mắc bệnh

Thống kê những năm gần đây cho thấy tỷ lệ người trên và dưới 15 tuổi mắc sốt xuất huyết và có nguy cơ biến chứng nặng gần như tương đương. BS. Trương Hữu Khanh lưu ý, người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch và sản phụ là các đối tượng nguy cơ cao.

Sốt xuất huyết có thể tự điều trị

Mỗi giai đoạn bệnh cần chỉ định điều trị riêng, không phải lúc nào cũng có thể tự uống thuốc, truyền dịch.v Theo BS. Thái, việc tự điều trị là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết chỉ xảy ra vào mùa mưa

Theo BS. Khanh, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển của con người khiến sốt xuất huyết hiện nay hầu như xảy ra quanh năm. Do vậy, phải cảnh giác và phòng bệnh quanh năm, cả trong mùa khô hay mùa đông lạnh.

Theo PGS.TS. Bác sĩ Phạm Quang Thái, cần đề cao cảnh giác và tích cực thực hiện các phương pháp phòng chống sốt xuất huyết bất kể thời điểm. Ảnh: Takeda - Dự án tọa đàm về sốt xuất huyết

Theo PGS.TS. Bác sĩ Phạm Quang Thái, cần đề cao cảnh giác và tích cực thực hiện các phương pháp phòng chống sốt xuất huyết bất kể thời điểm. Ảnh: Takeda - Dự án tọa đàm về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết không gây chết người

Theo WHO, sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. BS. Khanh cho biết thêm, 2 đến 7 ngày sau khi mắc bệnh là thời điểm nguy hiểm, dễ biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Do những lầm tưởng trên cộng thêm “tính hay quên” của nhiều người, theo BS. Thái, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân không lơ là việc thực hiện phòng ngừa sốt xuất huyết. Ngoài ra, BS. Khanh cho rằng, người dân nên cân nhắc đón nhận giải pháp tiên tiến giúp bản thân chủ động hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết và góp phần giảm tỷ lệ biến chứng nặng hoặc tử vong.

* Nội dung này được bảo trợ bởi Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết