Nhận diện hội chứng kiệt sức
Bất ổn nghề nghiệp, khối lượng công việc nhiều là những nhóm nguyên nhân chính thúc đẩy stress chuyển sang burn-out (kiệt sức).
Đang là trưởng nhóm bán hàng của một ngân hàng tại TP HCM, bạn bè và đồng nghiệp vô cùng bất ngờ khi biết chị Lưu Thị Bích Ngọc (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) xin nghỉ việc. Công việc của chị Ngọc đang rất thuận lợi, thu nhập cao nên càng khiến mọi người khó hiểu.
Chán ghét công việc
Tuy nhiên, chị Ngọc cho biết từ khi được bổ nhiệm vị trí trưởng nhóm, chị luôn cảm thấy mệt mỏi rã rời sau ngày làm việc. "Mỗi buổi sáng tôi không muốn dậy đi làm chút nào. Cuối tuần, tôi chỉ ăn với ngủ nhưng cũng không lại sức. Tôi bắt đầu cảm thấy mình không đủ khả năng dẫn dắt đội, nhóm và nghi ngờ năng lực của mình" - chị Ngọc nói.
Tuy chưa xin nghỉ việc như chị Ngọc nhưng chị Lê Nguyễn Hồng Trúc (33 tuổi, quê Đồng Nai) luôn đi làm với trạng thái lo âu khi công ty có thông báo về kế hoạch cắt giảm nhân sự. Dù biết mình không nằm trong diện cắt giảm nhưng hơn tháng nay, mỗi bước chân đến văn phòng của chị rất nặng nề. Sau hơn 10 năm gắn bó, đây là thời điểm chị chán ghét công việc nhất.
Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, trường hợp của chị Ngọc, chị Trúc là bị kiệt sức vì công việc, hay thường gọi là hội chứng burn-out. Đây là một loại căng thẳng đặc biệt, trạng thái kiệt quệ về thể chất hoặc tinh thần liên quan cảm giác, giảm khả năng hoàn thành công việc và đôi khi đánh mất bản sắc cá nhân.
Burn-out được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa là hội chứng do căng thẳng gây ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc, khiến người lao động (NLĐ) kiệt sức, năng suất lao động giảm. WHO cũng khẳng định đây mới chỉ là một tình trạng liên quan đến nghề nghiệp, chứ chưa phải là bệnh lý. "Burn-out xảy ra khi NLĐ cảm thấy cơ thể mất hết năng lượng, chịu áp lực, quá tải và không thể đáp ứng được kỳ vọng của cấp trên. Kéo dài tình trạng này khiến cho sự hứng thú với công việc mất đi và không còn động lực để tiếp tục công việc" - TS Tô Nhi A nhấn mạnh.
Theo thống kê mới công bố, 4/10 người Việt Nam đi làm bị stress (căng thẳng) thường xuyên hiện đã chuyển sang trạng thái burn-out. Những nhân sự này có rủi ro gặp các vấn đề về hiệu suất cao gấp 10 lần so với người chỉ bị căng thẳng thông thường. Nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng này đang gia tăng trong môi trường làm việc.
Thường xuyên chia sẻ cùng nhau trong công việc để tránh burn-out. Ảnh: GIANG NAM
Năm nhóm nguyên nhân
Khảo sát của Anphabe chỉ ra 5 nhóm yếu tố chính dẫn đến stress cho người đi làm, bao gồm: khối lượng công việc; tính chất công việc - tổ chức; kết nối; lương, thưởng - ghi nhận và bất ổn nghề nghiệp. Năm nhóm nguyên nhân này tác động qua lại lẫn nhau, trong đó 2 nhóm chính thúc đẩy stress chuyển sang burn-out nhanh nhất là bất ổn nghề nghiệp và khối lượng công việc nhiều.
Tại tọa đàm với chủ đề "Đối diện thách thức kiệt quệ tại chỗ làm" do Persolkelly Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM, bà Tracey Đỗ, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Shopee (quận 1, TP HCM), cho biết từng gặp trường hợp nhân viên xin nghỉ vì lý do burn-out. Mặc dù thời gian trước đó, nhân viên này vẫn hoàn thành tốt công việc, không hề biểu hiện các dấu hiệu bất ổn ra bên ngoài. Bà Tracey Đỗ đánh giá trước đây, việc công khai sức khỏe tinh thần của bản thân là điều khá tế nhị. Nhưng từ năm 2020, vấn đề này được quan tâm nhiều hơn. Môi trường doanh nghiệp (DN) cũng dần xây dựng cởi mở, khuyến khích nhân viên chia sẻ.
Theo bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó Tổng Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, có thể sử dụng các khảo sát, công cụ để biết được "sức khỏe" tổng thể của DN. Gốc rễ tình trạng khủng hoảng, kiệt sức đến từ nhiều yếu tố và tùy thuộc khả năng thích ứng của mỗi nhân sự.
Lý do đưa đến tình trạng kiệt sức đôi khi rất đơn giản, như NLĐ không cảm thấy an toàn, bị đối xử không công bằng hay bất hòa trong nội bộ. Vì vậy, vai trò của người quản lý trực tiếp rất quan trọng trong việc nhận diện nhân viên đang gặp khó khăn về tâm lý. Các dấu hiệu gồm thay đổi về cảm xúc lẫn thói quen, hành vi cư xử khác biệt so với thường ngày.
Đồng quan điểm, bà Cáp Thị Minh Trang, Giám đốc nhân sự khu vực Việt Nam - Campuchia của Schneider Electric Việt Nam, nhận xét các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu của DN. "Tại Schneider Electric Việt Nam có những hoạt động với ngân sách khiêm tốn nhưng mang lại hiệu quả cao, như tổ chức "Ngày thứ sáu vui vẻ" với các buổi ca nhạc nội bộ. Mấu chốt là xác định rõ mong muốn và nhu cầu của nhân viên" - bà Trang nói.