• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi ngủ sớm và nhiều, tưởng tốt nhưng chưa chắc

Một nghiên cứu mới cho thấy thời điểm đi ngủ và thời gian kéo dài của giấc ngủ có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức.

Theo UPI, kết quả nghiên cứu trên được công bố vào ngày 21-9 trên tạp chí Hiệp hội Lão khoa Mỹ.

Nhóm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Thụy Điển và Anh phát hiện nguy cơ mất trí nhớ ở những người ngủ hơn 8 giờ mỗi ngày cao hơn 69% so với những người ngủ từ 7-8 giờ. Ngoài ra, nguy cơ này cũng dễ xảy ra gấp 2 lần đối với những người ngủ trước 9 giờ tối so với những người ngủ lúc 10 giờ tối hoặc trễ hơn.

Hơn nữa, nghiên cứu này đề xuất "nên theo dõi chức năng nhận thức ở người lớn tuổi, những người thường xuyên nằm trên giường và thời gian ngủ nhiều hơn, đặc biệt là nam giới và trong độ tuổi 60-74".

TS Rui Liu - làm việc tại khoa Thần kinh của bệnh viện Sơn Đông thuộc Trường ĐH Sơn Đông (Trung Quốc), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: "Nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp làm rõ liệu ngủ ít hơn và trễ hơn có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi hay không".

Đi ngủ sớm và nhiều, tưởng tốt nhưng chưa chắc - Ảnh 1.

Không nên đi ngủ quá sớm và ngủ quá nhiều để tránh nguy cơ suy giảm trí nhớ. Ảnh: Security/Pixabay

Nghiên cứu này được thực hiện trên khoảng 2.000 người lớn tuổi chưa bị mất trí nhớ ở khu vực nông thôn phía tây tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc, chủ yếu là người có thu nhập thấp và trình độ học vấn hạn chế. Kết quả, 97 người tham gia được chẩn đoán sa sút trí tuệ trong thời gian theo dõi trung bình là 3,7 năm.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh hầu hết nghiên cứu về sự liên quan giữa giấc ngủ và chứng sa sút trí tuệ được thực hiện trên các nhóm người da trắng ở Bắc Mỹ và châu Âu, không tập trung vào những người lớn tuổi ở khu vực nông thôn.

So với người phương Tây và sống ở thành phố, những người lớn tuổi ở nông thôn Trung Quốc "thường đi ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn, ngủ kém hơn và dễ bị mất trí nhớ hơn". Nghiên cứu lý giải nguyên nhân một phần là do sự khác biệt về tình trạng kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục và lối sống.

Các nhà khoa học lưu ý các vấn đề về giấc ngủ và suy giảm nhận thức có liên quan đến nhân khẩu học, gồm tuổi tác, giới tính và giáo dục. Ngoài ra, mất trí nhớ cũng là một yếu tố di truyền có liên quan đến thời gian ngủ ngắn.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu đưa ra nhiều kết quả khác nhau về mối liên hệ giữa giấc ngủ và chứng sa sút trí tuệ.

Nhóm nghiên cứu nêu trên thừa nhận công trình của mình vẫn còn nhiều hạn chế và kết quả nên được xem xét một cách thận trọng. Nguyên do là nhóm không thể giám sát chặt chẽ những người tham gia mà để họ tự báo cáo; nghiên cứu bị thiếu dữ liệu về các yếu tố như chứng ngưng thở khi ngủ và thời gian theo dõi tương đối ngắn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...