Đang khỏe mạnh, thiếu niên 16 tuổi đột ngột sưng lợi, đi khám bất ngờ phát hiện ung thư
Nam sinh bị phát hiện ung thư máu cấp tính có tiền sử khoẻ mạnh, chưa từng mắc một bệnh nội khoa nào khác.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã có cảnh báo về mối liên quan giữa sức khỏe răng miệng với các bệnh lý trong cơ thể. Theo đó, Khoa Răng - Hàm - Mặt của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân 16 tuổi, được chuyển từ một bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán viêm lợi tối cấp hoại tử.
Trước khi nhập viện bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng mắc một bệnh nội khoa nào khác. Gần đây, bệnh nhân đột ngột khởi phát sưng lợi toàn bộ 2 hàm. Tổn thương tiến triển nhanh, người mệt mỏi, kèm theo sốt nhẹ 38 độ C.
Bệnh nhân được nhập viện tỉnh điều trị, nhưng sau 5 ngày bệnh tình càng trầm trọng nên đã chuyển tuyến trung ương.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt 38,5 độ C, miệng ngậm không kín, chỉ có 2 răng hàm chạm nhau. Lợi 2 hàm thâm nhiễm cực nặng, răng toàn bộ 2 hàm lung lay độ 2, 3. Ngay lập tức, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu cấp.
Sau khi hội chẩn chuyên gia huyết học, bằng các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được chẩn đoán leukemia cấp (bệnh ung thư máu cấp tính).
Theo các bác sĩ, biểu hiện bệnh lý trong khoang miệng vô cùng phong phú. Đây có thể là các biểu hiện của bệnh lý đơn thuần tại chỗ, nhưng cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm để chẩn đoán các bệnh lý toàn thân khác. Do đó, cần hết sức lưu ý để không bị bỏ sót tổn thương, đồng thời sớm có định hướng chẩn đoán phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết ung thư máu
Ung thư máu là một căn bệnh ác tính khiến lượng bạch cầu tăng đột biến. Có nhiều dạng ung thư máu, phổ biến nhất là bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết và đa u tủy xương. Nhìn chung, dấu hiệu ung thư máu khá muộn với biểu hiện ban đầu là ốm, sốt dễ làm người bệnh nhầm lẫn và bỏ qua.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư máu như: Sốt và ớn lạnh; mệt mỏi kéo dài, cơ thể ốm yếu; nhiễm trùng thường xuyên hoặc nặng; giảm cân; hạch bạch huyết sưng, gan hoặc lách to; dễ bị chảy máu hoặc bầm tím; chảy máu cam tái phát nhiều lần; xuất hiện đốm đỏ nhỏ trên da; đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là vào ban đêm và đau xương.
Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu?
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật, Phó Trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu TW, mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra ung thư máu cấp tính, tuy nhiên họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Tiếp xúc với tia xạ.
- Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ: benzen…).
- Nhiễm virus HTLV1, HTLV2.
- Sau hóa trị, sau các bệnh rối loạn sinh tủy/tăng sinh tủy ác tính.
- Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Down…
Cách phòng chống ung thư máu
Mặc dù chúng ta không thể phòng bệnh tuyệt đối, nhưng lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư máu. Những điều chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ ung thư máu:
– Tăng cường các loại rau hữu cơ, đồng thời hạn chế sử dụng thịt đỏ.
– Hạn chế sử dụng chất béo có chứa chất bão hòa
– Ăn, uống và hít thở không khí trong lành.
– Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ và hóa chất. Đồng thời, nên tránh tiếp xúc với những nơi bị ô nhiễm.
– Những người làm việc trong ngành hạt nhân, hóa học hoặc thuốc nhuộm thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất, do vậy, những người này nên thực hiện các biện pháp an toàn để giảm thiểu sự tiếp xúc.
– Tăng cường hệ miễn dịch để phòng bệnh ung thư máu.