Cúm A đang có nguy cơ bùng phát trở lại, cẩn thận phòng ngừa bệnh và biến chứng nguy hiểm cho trẻ
Theo các chuyên gia, cần chủ động phòng bệnh cúm A càng sớm càng tốt. Đặc biệt đối với trẻ em là đối tượng có sức đề kháng hô hấp non nớt, sẽ dễ dàng mắc cúm A và có thể dẫn tới biến chứng nặng.
Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A
Thời tiết thất thường như hiện nay, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có cúm A.
Anh N.V.T (Long Biên, Hà Nội) có con gái nhỏ mắc cúm A cho biết, ban đầu thấy con có triệu chứng mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy nước mũi và sốt cao từ 39 - 40 độ, gia đình chỉ nghi ngờ cháu bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sau 3 ngày, cháu vẫn sốt cao không dứt nên gia đình đưa bé đi xét nghiệm và được chẩn đoán mắc cúm A.
TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Trong những ngày gần đây, khoa Nhi đã ghi nhận tỷ lệ trẻ tới khám vì nhiễm cúm A gia tăng. Hầu như ngày nào cũng có trẻ mắc cúm A tới khám, khoảng 1/10 số trẻ này phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi".
Cúm A là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển mùa. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành có nguy cơ mắc bệnh cao. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày (trung bình 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh).
Bên cạnh đó, bác sĩ cho biết, do khó có thể phân biệt cúm A với cảm cúm thông thường, nên nhiều ba mẹ không phát hiện sớm tình trạng bệnh của con. Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm A.
Theo BS Phạm Thị Thuận, bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với bệnh, đặc biệt người già, người đang mắc các bệnh mãn tính, ở những trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản… là những đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng hô hấp kém.
Đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người sau khi bên Campuchia có người tử vong do cúm A.
Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ bệnh cúm A có thể dễ dàng bùng phát trở lại nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trẻ nhỏ với sức đề kháng hô hấp còn non yếu sẽ có khả năng mắc cúm A cao và thậm chí có thể có biến chứng nguy hiểm khi không phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mắc cúm A: suy hô hấp do viêm phổi nặng, viêm não, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong…
Phòng ngừa bệnh cúm A bằng cách nào?
Theo các bác sĩ, cúm A là bệnh do virus gây nên, do đó khi mắc cúm A sẽ chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng. Khi nhiễm bệnh, sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe sau này của trẻ, nếu không có cách cải thiện đề kháng hô hấp hiệu quả.
Để phòng bệnh cúm A, góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên chủ động đưa con đi tiêm vaccine cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, giúp tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, phụ huynh có thể cho con sử dụng ly giải vi khuẩn. Ly giải vi khuẩn là những mảnh vỡ tế bào từ các tác nhân gây bệnh đường hô hấp đã được bất hoạt.
Ly giải vi khuẩn còn được gọi là vaccine đường uống nhằm tăng cường sức đề kháng hô hấp, kích thích hệ thống miễn dịch đặc hiệu, tạo ra các kháng thể phòng chống các bệnh về đường hô hấp, cải thiện cảm cúm.
Bên cạnh việc chú ý tới sức đề kháng của con, cha mẹ cũng nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh nói chung. Trẻ luôn cần được đảm bảo vệ sinh cá nhân, ba mẹ dạy trẻ cần che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.