COVID-19: WHO tô đỏ nhiều nước Âu - Á, XBB.1.5 thành dòng "áp đảo"
Bản đồ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong khi 2/3 phía Đông của châu Á đã "hạ nhiệt" sau nhiều tháng chiếm hầu hết số ca COVID-19 toàn cầu, 1/3 phía Tây dường như đang bắt đầu một làn sóng mới cùng với châu Âu.
Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 17-3, trong chu kỳ 28 ngày gần nhất số ca COVID-19 mới được báo cáo trên toàn cầu là gần 4,07 triệu ca, cùng 17.955 ca từ vong, giảm lần lượt 40% và 57% so với chu kỳ trước đó.
Sự sụt giảm này hầu hết là nhờ sự hạ nhiệt của làn sóng ở Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam), là khu vực dịch tễ bao gồm một phần phía Đông của châu Á và châu Úc.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc COVID-19 mới so với chu kỳ 28 ngày trước - Ảnh: WHO
Trong nhiều tháng trước đó ba nước Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đã khiến số ca ở Tây Thái Bình Dương tăng vọt, chiếm phần lớn số ca COVID-19 của thế giới. Nhưng trong chu kỳ mới khu vực dịch tễ này chỉ xếp thứ ba với hơn 1,149 triệu ca mắc và 5.210 ca tử vong mới do COVID-19.
Hầu hết khu vực được WHO tô màu xanh dương và xanh lục trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới, bao gồm Việt Nam, thể hiện số ca mới giảm mạnh. Ba điểm nóng của khu vực là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có số ca giảm lần lượt 69%, 92% và 53% so với chu kỳ trước.
Đứng đầu bảng lần này là khu vực châu Âu với gần 1,563 triệu ca mới (tăng 20%) và 9.274 ca tử vong mới (giảm 26%). Có tới 36% quốc gia châu Âu báo cáo số ca tăng trên 20%, khiến WHO tô màu đỏ (tỉ lệ ca mắc mới tăng mạnh) phần lớn diện tích châu Âu trên bản đồ.
Số ca cao nhất được báo cáo ở Nga (350.376 ca, tăng 62%), Đức (338.306 ca, tăng 10%) và Áo (144.969 ca, tăng 69%). Tuy nhiên số ca tử vong lại cao nhất ở Anh (2.217 ca), cao hơn gấp đôi Nga.
Châu Mỹ xếp thứ 2 với hơn 1,309 triệu ca mới, hầu hết ghi nhận ở Mỹ (919.961 ca). Số từ vong của khu vực này cao nhất thế giới với 12.011 ca, trong đó Mỹ chiếm 9.303 ca.
Ba khu vực dịch tễ Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể, nhưng có thể một phần do xét nghiệm không phổ biến như các nước ở 3 khu vực dịch tễ kia.
Tuy nhiên ở khu vực Tây Á địa lý (ứng với phần phía Tây khu vực dịch tễ Đông Nam Á), một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Iran cũng bị WHO tô đỏ vì số ca được báo cáo tăng vọt.
Kết quả phân tích các trình tự gien được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID cho thấy chủng thống trị trong tuần thứ 8-2023 (tuần thống kê gần nhất) là XBB.1.5, chiếm 35% số trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát. Xếp hàng thứ 2 là BQ.1 với tỉ lệ 15%.
Tuy nhiên trong một báo cáo khác hôm 16-3, WHO cho biết XBB.1.5 được xếp hạng là biến thể cần quan tâm (VOI), chứ chưa đến mức biến thể đáng lo ngại (VOC - ví dụ như Alpha, Delta, chủng Omicron gốc B.1.1.529...).
Đánh giá trước đó của Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của WHO cho biết tuy XBB.1.5 có thể thúc đẩy các làn sóng mới do khả năng thoát miễn dịch vượt trội, nhưng không ghi nhận thay đổi về độc lực (tức không gây bệnh nặng hơn) các chủng Omicron tiền nhiệm.