COVID-19: Trung Quốc ổn hơn, khơi lại tăng trưởng
Các chuyên gia Trung Quốc đưa ra dự báo tươi sáng hơn về dịch COVID-19 và điều này có thể tác động đến kinh tế thế giới.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia y tế Trung Quốc vừa đưa ra dự báo khả quan sau kỳ "Xuân vận" lớn - Tết Nguyên đán đầu tiên không còn những hạn chế về di chuyển.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết 1,31 tỉ người ở đại lục đã được tiêm phòng, trong đó 1,28 tỉ người tiêm đủ mũi. Đối với người trên 60 tuổi đã có 241,6 triệu người được tiêm phòng, gồm 230 triệu người tiêm đủ mũi.
Theo Giám đốc dịch tễ của CDC Trung Quốc Wu Zunyou, điều này cộng với tỉ lệ 80% dân số đã có miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm bệnh trong làn sóng mới đây, khả năng dịch bùng trở lại trong 2-3 tháng tới là rất nhỏ.
Khu phức hợp mua sắm miễn thuế quốc tế Tam Á ở TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 25-1 .Ảnh: REUTERS
Trong dữ liệu cơ quan này cung cấp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được WHO công bố trong thông cáo báo chí toàn cầu hôm 26-1 (giờ Việt Nam), các biểu đồ dựa trên số liệu từ ngày 9-12-2022 đến 23-1-2023 đều cho thấy sự "hạ nhiệt" rõ ràng của đợt dịch.
Số ca khám, nhập viện, số ca nhập viện được phân loại nghiêm trọng và số ca tử vong của ngày 23-1 lần lượt giảm 97,8%, 85%, 72% và 79% so với mức đỉnh rơi vào cuối tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 1 năm nay.
Cựu Giám đốc dịch tễ của CDC Trung Quốc Zeng Guang nhận định hôm 28-1 rằng nước này đã vượt qua đỉnh dịch rất nhanh, qua đó tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng.
Các chuyên gia cho rằng trong năm 2023, sự giao lưu được tăng cường trong nước và quốc tế vẫn có thể tạo ra các làn sóng nhưng sẽ không có quy mô lớn như vừa qua.
Theo đài CNN, thống kê của Trung Quốc cho thấy người dân nước này đã thực hiện 226 triệu lượt hành trình nội địa trong Tết Nguyên đán, tăng 74% so với năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, cho dù vẫn thấp hơn nhiều so với con số 421 triệu của năm trước đại dịch 2019.
"Thử thách COVID-19" trong kỳ "Xuân vận" này không chỉ có ý nghĩa với riêng Trung Quốc. Theo phân tích của Financial Times, ảnh hưởng từ tình hình Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu khá phức tạp.
Về mặt tích cực, tiêu dùng tăng mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ở các nước. Với giá trị nhập khẩu đạt 2.700 tỉ USD trong năm 2021 (so với 2.800 tỉ USD của Mỹ), Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Ngược lại, mặt tiêu cực là sản xuất công nghiệp Trung Quốc tăng tốc sẽ làm gia tăng tổng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu và có thể gây ra một cú sốc chi phí năng lượng mới. Tương tự, tác động đối với hệ thống giao thương hàng hóa cũng chưa rõ nét nhưng trước mắt, theo Financial Times, là tích cực. Việc mở cửa trở lại giúp khai thông các tuyến vận tải của Trung Quốc, giảm căng thẳng trong lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, lượng container nhiều hơn có thể tái kích hoạt sự căng thẳng cho chuỗi cung ứng, điều đã xảy ra từ năm 2020.