COVID-19: Một nước châu Á có hơn 1 triệu ca/tuần, WHO đề nghị vá "lỗ hổng"
Khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) vẫn là điểm nóng COVID-19 của thế giới, với số ca rất cao ghi nhận từ 3 nước Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc.
Theo báo cáo dịch tễ Báo Người Lao Động vừa nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 22-12, tuần qua toàn thế giới ghi nhận thêm 3,73 triệu ca COVID-19 mới, tăng 3% so với tuần trước. Thêm 10.482 người tử vong vì căn bệnh.
Trong 6 khu vực dịch tễ của WHO, số ca giảm mạnh ở 4 khu vực là châu Âu, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Phi; nhưng tăng rõ rệt ở 2 khu vực còn lại là Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ.
Các nhà lãnh đạo WHO tại một cuộc họp báo trực tuyến toàn cầu - Ảnh: WHO
Tây Thái Bình Dương vẫn giữ vị trí "đầu bảng" về số ca COVID-19 mới suốt vài tháng qua, trong tuần này tiếp tục chiếm 46% số ca thế giới (1,735 triệu ca).
Ba nước có số ca cao nhất Tây Thái Bình Dương là Nhật Bản (1.046.650 ca, tăng 23%), Hàn Quốc (459.811 ca, tăng 9%) và Trung Quốc (147.643 ca, giảm 1%), số ca tử vong lần lượt là 1.617 ca, 326 ca và 418 ca, cũng cao nhất khu vực.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong trên dân số của Hàn Quốc và Trung Quốc thấp (dưới 1 ca trên 100.000 dân), chỉ có Nhật Bản tử vong ở tỉ lệ khá cao là 1,3 ca trên 100.000 dân.
Việt Nam cũng nằm trong khu vực này nhưng được đánh dấu màu xanh trên bản đồ tỉ lệ ca mắc (giảm so với tuần trước) và vàng nhạt trên bản đồ tỉ lệ tử vong (mức thấp nhất).
Bản đồ tỉ lệ ca mắc trên dân số, với màu càng đỏ tỉ lệ càng cao, màu vàng là tỉ lệ thấp, màu xanh lá cây và xanh cho thấy tỉ lệ ca mắc giảm so với tuần trước - Ảnh: WHO
Châu Mỹ tăng tới 18% số ca so với tuần trước với 1,022 triệu ca mới, hầu hết vẫn đến từ Mỹ, Brazil và Argentina. Mỹ tiếp tục là nước có số tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới (2.658 ca), nhưng do dân số đông nên tỉ lệ vẫn dưới 1 người trên 100.000 dân.
Châu Âu đứng thứ ba về số ca với hơn 952.000, giảm 18% so với tuần trước. Ba khu vực còn lại báo cáo số ca không đáng kể, chỉ vài ngàn.
6 lỗ hổng ngăn đại dịch kết thúc
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến toàn cầu tối 21-12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra các lỗ hổng tạo ra những điều "không chắc chắn" và khiến chúng ta không thể nói rằng đại dịch đã kết thúc:
Thứ nhất, những lỗ hổng trong giám sát, thử nghiệm và giải trình tự khiến chúng ta không hiểu đủ rõ về cách virus đang thay đổi.
Thứ hai, những lỗ hổng trong tiêm chủng khiến hàng triệu người – đặc biệt là nhân viên y tế và người lớn tuổi – vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong.
Thứ ba, những lỗ hổng trong điều trị, có nghĩa là nhiều người đang chết một cách vô ích.
Thứ tư, những lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến chúng ta không thể đối phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19, cúm và các bệnh khác.
Thứ năm, những lỗ hổng trong hiểu biết về tình trạng hậu COVID-19 khiến chúng ta không biết cách tốt nhất để điều trị cho những người đang chịu hậu quả lâu dài do căn bệnh.
Thứ sáu, những lỗ hổng trong hiểu biết của chúng ta về cách đại dịch này bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu mà chúng tôi yêu cầu. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch này vẫn còn để ngỏ" - Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh.