• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bác sĩ nông dân” trăn trở cứu người

Cuối tháng 10-2022, khi Khu Công nghệ cao TP HCM kỷ niệm 20 năm thành lập, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng trải qua một ngày thật ý nghĩa.

TS Trần Chí Cường - Giám đốc S.I.S Cần Thơ, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, thành viên Hội Can thiệp thần kinh thế giới - được xướng tên nhận giấy chứng nhận đầu tư Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo chuyên sâu điều trị đột quỵ S.I.S TP HCM.

"Bác sĩ nông dân" Trần Chí Cường - như cách ông tự nhận, cũng như được nhiều bệnh nhân, đồng nghiệp trân quý gọi vì sự giản dị, gần gũi - chính là người tiên phong trong lĩnh vực can thiệp đột quỵ ở miền Tây nói riêng và Việt Nam nói chung. Vị bác sĩ sinh năm 1976 tại vùng quê nghèo tỉnh Đồng Tháp này được xem là người có "bàn tay vàng" trong phẫu thuật ngoại thần kinh.

Vốn ước mơ làm bác sĩ, khi thi đậu cùng lúc 3 trường đại học, chàng trai Trần Chí Cường chọn ngay trường y để thực hiện hoài bão. Tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2000, ông về Đồng Tháp công tác. Nhiều lần bất lực trước các ca bệnh khó, nhất là đột quỵ, ông quyết định tiếp tục "tầm sư học đạo": Học thêm chuyên khoa I ngoại thần kinh, tham gia khóa học chụp X-quang can thiệp thần kinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội)...

“Bác sĩ nông dân” trăn trở cứu người - Ảnh 1.

Năm 2005, bác sĩ Trần Chí Cường xung phong tham gia khóa học can thiệp mạch máu thần kinh tại Thái Lan, quy tụ các giáo sư đầu ngành từ Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan... Năm 2006, ông trở về Việt Nam, bắt đầu triển khai can thiệp DSA mạch máu não tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Theo TS Trần Chí Cường, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu. Lằn ranh sinh tử của bệnh nhân lệ thuộc vào thời gian. Làm việc hàng chục năm ở TP HCM với kinh nghiệm chuyên môn có thừa, ông không hề thiếu đất dụng võ. Song, ông nhận thấy cần thành lập một trung tâm chuyên sâu về đột quỵ tại một nơi có thể cứu được nhiều người hơn.

"ĐBSCL mỗi năm có đến 15.000 - 20.000 bệnh nhân đột quỵ. Bệnh nhân từ miền Tây lên TP HCM có thể không còn cơ hội cứu chữa vì được chuyển đến quá trễ do đường sá xa xôi lại luôn đông đúc, quá tải" - TS Trần Chí Cường giải thích lý do ông chọn miền Tây để thành lập trung tâm chuyên sâu về đột quỵ.

Nghĩ là làm. Năm 2015, từ bỏ công việc thu nhập cao và nhiều cơ hội phát triển, tiến thân tại TP HCM; thu thập tiền bạc tích cóp lâu nay, cầm cố tài sản, vay mượn thêm bạn bè..., bác sĩ Trần Chí Cường bắt đầu hành trình xây dựng bệnh viện chuyên trị đột quỵ. Năm 2019, S.I.S Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động với mức đầu tư cả ngàn tỉ đồng, trang thiết bị hiện đại, quy mô 200 giường bệnh.

Hơn 3 năm qua, S.I.S Cần Thơ đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ tại các tỉnh, thành miền Tây. Uy tín của bệnh viện này ngày càng lan xa, nhiều Việt kiều và bệnh nhân nước ngoài cũng tìm đến đây để tầm soát nguy cơ đột quỵ và chữa trị.

TS Trần Chí Cường cho biết bất kể ai, làm công việc gì cũng có thể bị đột quỵ. Một trong những ca bệnh mà ông nhớ nhất là bé trai mới 4 tuổi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Sau hội chẩn khẩn cấp, các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch lấy máu đông. Bé trai dần hồi phục và xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị. Đến nay, đây là ca đột quỵ nhỏ tuổi nhất được ghi nhận tại S.I.S Cần Thơ.

Phương châm làm việc của TS Trần Chí Cường là bỏ qua hình thức, xóa bỏ khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân, cứu người là việc quan trọng nhất. Khi đến S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân đột quỵ không có tiền cũng được cứu chữa. "Mục đích cuối cùng khi chúng tôi lập bệnh viện là cứu người chứ không phải lợi nhuận. Tuy còn khó khăn nhưng tôi cùng đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện luôn tâm niệm cứu người là trên hết" - ông khẳng định.

Ngoài công việc tại S.I.S Cần Thơ, TS Trần Chí Cường còn thường xuyên giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm điều trị về mạch máu, thần kinh và đột quỵ cho các bác sĩ trong và ngoài nước. Ông đã tham gia nhiều khóa đào tạo có tiếng vang như: "Planet" tại Đà Nẵng và TP HCM, "Asian stroke summer school" ở Cần Thơ...

“Bác sĩ nông dân” trăn trở cứu người - Ảnh 2.

TS Trần Chí Cường (phải) tham gia cứu chữa bệnh nhân đột quỵ

 TS Trần Chí Cường là tác giả của rất nhiều công trình khoa học và bài báo giá trị về ngoại thần kinh, đột quỵ. Ông đã được Bộ Y tế vinh danh với bằng khen về thành tựu y khoa Việt Nam 10 năm qua đề tài "Can thiệp nội mạch điều trị bệnh mạch máu não, tủy", được Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực y tế...

S.I.S Cần Thơ đã được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đạt chuẩn đào tạo về chuyên ngành điều trị đột quỵ. Bệnh viện này đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo quốc tế; đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao chuyên môn cho nhiều bác sĩ đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Úc...

Với những thành quả trên, S.I.S Cần Thơ đã được Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ. PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, nhận xét: "Hiếm có bệnh viện tư nhân được trao chứng nhận này. Việc này cho thấy S.I.S Cần Thơ đã đạt tiêu chuẩn cấp cứu, điều trị đột quỵ của thế giới".

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo "Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành" với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong nước và quốc tế, S.I.S Cần Thơ đã chính thức đưa vào sử dụng hệ thống Robot Corindus hỗ trợ can thiệp chụp mạch máu DSA. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện kỹ thuật này. Robot Corindus trị giá khoảng 1 triệu USD, hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá hệ thống robot can thiệp đột quỵ này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho y tế khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Đây là kỹ thuật mới, góp phần tăng cường các giải pháp can thiệp đột quỵ ngày càng hiện đại cho ngành y tế nước nhà.

Đối với TS Trần Chí Cường, làm sao cứu được người đột quỵ trong thời gian nhanh nhất là điều mà ông luôn trăn trở và tìm cách thực hiện. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo chuyên sâu điều trị đột quỵ S.I.S TP HCM với số vốn 632 tỉ đồng sẽ khởi công vào quý IV/2023, sắp tới, một bệnh viện mới chuyên về đột quỵ cũng được thành lập tại Quảng Nam để phục vụ người dân miền Trung, do chính ông phụ trách về chuyên môn.

Suốt cả tháng trời chăm sóc người anh vật lộn với tử thần vì nhồi máu cơ tim, được S.I.S Cần Thơ cứu chữa, bà Đoàn Bảo Trân gửi thư cảm ơn các bác sĩ: “Anh trai tôi đã được các bác sĩ tận tình chữa trị. Tôi thật lòng cảm kích sự nhiệt tình, vui vẻ, ân cần ấy và sẽ không bao giờ quên. Gia đình tôi cảm ơn sâu sắc bệnh viện”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...