Công Nghệ 5.0: Cơ Hội Và Thách Thức Đối Với Ngành Nông Nghiệp
Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm góp phần nhận diện các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; đồng thời đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0 thành công tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới... Trong đó, ngành nông nghiệp vẫn xác định vai trò vô cùng quan trọng của khoa học và công nghệ, coi đây là động lực then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Có thể thấy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh; Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ, cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, nhưng hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ từ nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, robot cho thực phẩm an toàn, phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản;…