Ứng xử tinh tế với nhân sự gen Z
Trong khi doanh nghiệp (DN) cần những nhân viên có sự tích lũy sâu về chuyên môn và cam kết làm việc lâu dài để ổn định sản xuất - kinh doanh thì nhiều lao động trẻ lại rơi vào vòng luẩn quẩn chán việc - nghỉ việc - nhảy việc. Thực tế này đang làm đau đầu các nhà quản lý DN khi mà lực lượng lao động trẻ đang chiếm số đông.
Theo khảo sát "Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022" - do Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM) thực hiện với khoảng 13.700 sinh viên từ 120 trường đại học trên cả nước tham gia - dự báo đến năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có một đại diện gen Z (những người sinh từ năm 1995 đến 2012). Kết quả khảo sát cho thấy lao động gen Z có kỳ vọng cao khi đi làm. Cụ thể, mức lương trung bình mà họ mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau ra trường là 8,4 triệu đồng/tháng. 88% sinh viên khá giỏi cho biết mong muốn trở thành quản lý trong vòng 2 năm sau khi ra trường.
Khảo sát này cũng cho thấy nhóm gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm qua có dấu hiệu "vỡ mộng" khi những kỳ vọng của họ có độ chênh lớn so với thực tế. Cụ thể, về lương thực tế, 65% người được khảo sát cho biết mức lương đầu tiên nhận được chỉ 4-8 triệu đồng/tháng, chủ yếu khoảng 6-7 triệu đồng. Giấc mơ trở thành quản lý sau 2 năm cũng tan tành vì nhiều lý do, chủ yếu là vì "độ chênh" giữa cách họ tự đánh giá về mình và cách công ty đánh giá về những gì họ làm được, chịu trách nhiệm được. Trong khi họ đánh giá cao ý tưởng và công sức đã bỏ ra thì lãnh đạo DN lại nhận xét nhân viên dựa vào tính khả thi của ý tưởng và kết quả cuối cùng đạt được.
Là những người sinh ra trong bối cảnh công nghệ hiện đại tràn ngập, với thói quen mọi thứ nằm gọn trong vài "cú chạm màn hình" hay những click chuột, lao động gen Z có nhu cầu "ngay và luôn" trong mọi thứ, bao gồm cả tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp hay quyết định chuyển việc. Đây là một trong những thách thức mà nhiều DN đang đối mặt khi nhân sự trẻ liên tục nhảy việc, thậm chí không "thèm" báo trước.
Phần đông người thuộc gen Z luôn tự tin, có tư duy độc lập từ rất sớm
Trong cuộc thảo luận "Z bắt sóng" do Anphabe tổ chức mới đây, ông Kipp Nguyễn, Trưởng Bộ phận văn hóa DN và gắn kết - Lazada Việt Nam, cho rằng muốn giữ chân nhân sự trẻ thế hệ Z, người quản trị DN cần cởi mở, thấu hiểu và tinh tế. Ông Kipp Nguyễn cho biết hiện nay, nhiều lãnh đạo DN thuộc thế hệ M (gen Y, sinh năm 1980-1994) và nhân viên phần đông thuộc gen Z. Các nhân viên này được xem là "ẩm ương" vì có nhiều tính cách như: luôn tự tin thể hiện quan điểm, sẵn sàng cống hiến nhưng phải có "điều kiện", thường xuyên nhảy việc... Do sống khá vất vả, nhiều người thuộc gen Y kiểm soát cái tôi cá nhân và cảm xúc tốt hơn, trong khi các bạn trẻ vốn được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa nên luôn muốn thể hiện quan điểm bản thân.
Theo bà Lưu Thanh Huyền, Giám đốc Phát triển năng lực và tổ chức - Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam (quận 1), việc "cả thèm chóng chán" không phải là vấn đề của lao động gen Z. Nếu công việc nhàm chán thì độ tuổi nào cũng sớm nản. Nhiều người trẻ bây giờ không quá quan tâm chuyện "cơm áo gạo tiền" nên họ chọn bỏ đi ngay khi vừa cảm thấy chán công việc. Họ có thể làm ở các công ty chỉ một thời gian ngắn nhưng đặc điểm nổi trội là "cháy" hết mình. Họ có thể làm việc không quản ngày đêm hay ngày nghỉ nên chuyện đòi hỏi quyền lợi xứng đáng cũng hợp lý. Lãnh đạo DN nên thấu hiểu những đặc điểm nổi bật này nếu muốn giữ họ ở lại lâu dài. Mặt khác, nhiều nhân sự gen Z còn đòi hỏi mọi người trong DN phải tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với họ để tìm ra giải pháp tối ưu cho những đề xuất của họ.
"Do đó, ngoài việc tối ưu hóa quy trình tuyển dụng, DN nên xây dựng văn hóa DN sao cho phù hợp với tính cách của thế hệ nhân sự mới này. Lãnh đạo DN cũng cần "thích nghi ngược", nghĩa là tự làm trẻ mình để tạo ra môi trường làm việc cởi mở hết sức có thể, ít khoảng cách nhất có thể" - bà Huyền nhìn nhận.