Từ vụ Justin Bieber tìm lý do đàn ông im lặng khi bị quấy rối
Justin Bieber từng có nhiều khoảnh khắc bối rối, khó xử khi bị đồng nghiệp đụng chạm công khai.
Những ngày qua, truyền thông thế giới rúng động trước tin "ông trùm âm nhạc" Diddy bị điều tra vì loạt cáo buộc liên quan đến mại dâm, tống tiền...
Không ít nghệ sĩ nổi tiếng được cho là nạn nhân của Diddy, bao gồm cả Justin Bieber - người được Diddy nâng đỡ từ khi chỉ mới 14 tuổi.
Nhiều câu chuyện, chia sẻ, MV cũ của Justin Bieber được khán giả tìm lại. Nhiều người phát hiện không ít lần, nam ca sĩ bị đụng chạm, quấy rối công khai.
Năm 2012, tại lễ trao giải American Music Awards, Justin Bieber giành 3 giải thưởng quan trọng là Nam nghệ sĩ pop/rock được yêu thích nhất, Album Pop/Rock được yêu thích nhất (Believe) và Nghệ sĩ của năm.
Những tưởng khoảnh khắc trao giải sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nam ca sĩ trẻ, tuy nhiên, anh lại tỏ ra khá bối rối và sợ hãi khi bị MC Jenny McCarthy ôm hôn nồng nhiệt và chạm vào vòng 3 trước ống kính.
Ngay sau đó, Justin Bieber thẳng thắn khẳng định: “Tôi cảm thấy như mình bị xâm hại".
Nhiều lần khác, anh bị MC đùa khiếm nhã, đồng nghiệp đụng chạm cơ thể quá đà hay quấy rối bằng lời nói. Những hành động dù là trêu đùa hay có chủ đích đều khiến Justin Bieber tổn thương, ảnh hưởng tâm lý.
Dù vậy, Justin Bieber chưa từng lên tiếng về những "trò đùa" đó của đồng nghiệp. Anh đưa thông điệp về quấy rối, xâm hại tình dục trong MV "Yummy" nhưng ít khán giả để ý tới, cho đến khi Diddy bị điều tra.
Sự im lặng của Justin Bieber sau nhiều lần bị đụng chạm thiếu tôn trọng gây nhiều tranh luận.
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi bị quấy rối tình dục, nam giới thường chọn cách im lặng bởi nếu nói ra, họ có thể bị đả kích, cười cợt, thậm chí bị đổ lỗi.
Theo People, đàn ông thường bị mặc định rằng, họ luôn muốn, họ thích các hành vi gợi dục, rằng đàn ông sẵn sàng với tình dục hơn phụ nữ.
Không ít nạn nhân là đàn ông khi bị quấy rối tình dục sẽ chọn cách im lặng vì họ lo lắng không biết người khác sẽ đối xử với họ như thế nào, có ai tin họ hay không khi mọi chuyện nói ra.
Chia sẻ về thực trạng quấy rối nạn nhân là nam giới chưa được nhìn nhận đúng mức, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An đánh giá trong giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục cần loại bỏ việc khắc họa hình ảnh "hung thủ" và "nạn nhân" dựa trên giới tính để tránh gây ra việc quy chụp một ai đó là hung thủ hoặc không thừa nhận một người nào đó là nạn nhân.
"Giáo dục giới tính - phòng chống xâm hại tình dục có 4 cái "cần": cần hướng đến các dấu hiệu nhận biết hành vi/lời nói mang tính quấy rối; cần hướng đến việc tự nhận biết cảm xúc của bản thân và cách tự bảo vệ chính mình; cần hướng đến việc tôn trọng quyền riêng tư và đề cao sự đồng thuận từ người còn lại, không thực hiện các hành vi mang tính tình dục nếu chưa có sự xác nhận rõ ràng từ đối phương, từ đó hướng đến đồng thuận chủ động bằng lời nói "Only yes means yes" (Chỉ khi thật sự đồng ý thì mới có nghĩa là sẵn sàng)".
Cuối cùng, chuyên viên tâm lý nhấn mạnh cần loại bỏ những định kiến về tình dục như "Con gái nói không là có", "Đi nhậu khuya với nhau nghĩa là được phép quan hệ", "ăn mặc sexy là đang mời gọi"...