Người trẻ nghiện mạng xã hội
Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, một bộ phận giới trẻ trở nên bế tắc vì không thể thoát khỏi việc tự làm lãng phí thời gian, tổn hại tinh thần.
Kết thúc công việc và về nhà lúc 18 giờ nhưng đến gần 21 giờ mới bắt đầu ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp. Đó là chuyện lặp đi lặp lại mỗi ngày của Ngọc Thanh (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM). Suốt nhiều giờ liền, Thanh chỉ ngồi một chỗ lướt mạng xã hội.
Mê đến quên ăn, quên ngủ
Các trang mạng xã hội Thanh thường dành nhiều thời gian nhất là Facebook và TikTok. Cô gái trẻ tiết lộ không thể sống thoải mái nếu thiếu những ứng dụng này: "Cả ngày dài tôi phải làm việc, chỉ có buổi tối được rảnh để lướt mạng thỏa thích, không bị ai quản lý".
"Thỏa thích" với Thanh, nghĩa là không cần bận tâm đến những việc diễn ra xung quanh. Có đêm, cô vội vàng ăn uống rồi bấm điện thoại đến khuya.
Mạng xã hội có sức hút mãnh liệt với cô đến mức cô thức đến 2 - 3 giờ sáng chỉ để đọc hết các bình luận trong bài đăng của những người lạ hoặc để theo dõi những sự vụ nóng đang được cư dân mạng quan tâm và tham gia bàn luận, thể hiện quan điểm cá nhân.
Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội một cách có chủ đích như tìm kiếm thông tin, liên lạc với mọi người, hiện nay nhiều người trẻ đang bị rơi vào "chiếc bẫy" dùng mạng xã hội một cách thụ động.
Nhiều bạn trẻ có thói quen kiểm tra điện thoại và lướt mạng xã hội dù không cần thiết, sau đó dễ dàng bị cuốn theo những cú chạm, quên mất thời gian. Đó là chưa kể, các ứng dụng mạng xã hội không ngừng thay đổi, tiếp cận người dùng qua nhiều dạng thức mới lạ, càng lôi cuốn họ xem không ngừng.
Nguyễn Thị Hoàng Yến (26 tuổi, ngụ Bình Dương) từng dành nhiều ngày để tập "cai" mạng xã hội: "Đôi lúc tôi có cảm giác bị bế tắc. Tôi nhận ra điều đó khi thấy mình đang dần bị phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội mà không thể dứt ra", Yến chỉ tạm xa mạng xã hội được vài ngày, sau đó mọi việc đều lặp lại như cũ.
Bạn trẻ dành thì giờ lướt mạng xã hội trong khi bỏ bê công việc
Nguy hại đến sức khỏe tinh thần
Nhiều bạn trẻ cảm thấy cô đơn trong cuộc sống hiện thực và tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội, xem đây như nơi giải trí sau những giờ làm việc áp lực. Song đôi khi việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều càng khiến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trở nên trầm trọng hơn. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng chỉ ra rằng sử dụng mạng xã hội làm tăng nguy cơ trầm cảm và càng khiến người trẻ cô đơn.
Nói về việc này, Ngọc Thanh và Hoàng Yến thừa nhận cơ thể uể oải, công việc tồn đọng, lãng phí thời gian… là những gì họ nhận được sau những lần lướt mạng không kiểm soát.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Nhà sáng lập ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay, cố vấn cấp cao tổ chức giáo dục AEG Việt Nam - mạng xã hội được xem như công cụ giúp con người giải trí và giao tiếp với nhau ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, nghiện mạng xã hội sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực ảnh hưởng cuộc sống người dùng, cụ thể là suy giảm sức khỏe tinh thần ở nhiều bạn trẻ.
"Đối với nhiều người, nhu cầu được sử dụng mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi. Thực tế, mạng xã hội dễ gây nghiện hơn cả rượu bia và ma túy bởi vì chúng phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí" - TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh. Mạng xã hội luôn có những tính năng và dịch vụ hấp dẫn để níu chân người dùng. Do đó, người dùng tuy có quyền tự do ngừng tham gia mạng xã hội bất kỳ lúc nào nhưng lại rất khó thực hiện được.
Báo cáo của WeAreSocial về tình trạng kỹ thuật số toàn cầu cho thấy đến tháng 7-2022, thế giới có 4,7 tỉ người dùng mạng xã hội. Từ năm 2021 đến tháng 1-2022, tăng trưởng người dùng mạng xã hội nằm ở mức hai con số là 10,1%.
Tại Việt Nam, tính đến đầu năm nay, có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% tổng dân số, chủ yếu là giới trẻ. Các mạng xã hội phổ biến gồm Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Facebook Messenger, LinkedIn và Twitter.
Không thể phủ nhận lợi ích cũng như vai trò của của mạng xã hội trong đời sống hiện đại. Sống chung một cách lành mạnh với mạng xã hội chính là điều bạn trẻ cần quan tâm, thay vì chối bỏ hoàn toàn những tiện ích từ nó.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, mỗi người, khi sử dụng mạng xã hội, công nghệ số cần có hiểu biết, nhận thức rõ ràng để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, người dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội vì ngoài việc bị thu thập thông tin cá nhân, còn có thể gây bất lợi trong nhiều trường hợp.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An trong một buổi coaching cho các bạn trẻ về “khởi nghiệp cuộc đời”. Ảnh: TS Hoà An
Ba nguyên tắc cơ bản trong truyền thông thương hiệu cá nhân gồm tập trung, nhất quán và kiên trì. Việc xây dựng hình ảnh rõ ràng (bao gồm nội dung chia sẻ, hành vi...) sẽ giúp con người dễ dàng khai thác được hiệu quả của mạng xã hội, tiếp cận được đối tượng mong muốn, qua đó tạo ra nhiều giá trị thật cho chính bản thân mình.