• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người trẻ "nghiện" đi làm bằng phương tiện công cộng

Thoát khỏi cảnh thở ngắn thở dài mỗi lần xăng tăng giá, tăng cường sức khỏe, bảo vệ môi trường… là những lý do khiến nhiều người trẻ đang quyết định lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi làm mỗi ngày thay vì ô tô, xe máy…

Giao thông công cộng ngày càng tiện lợi

Bắt đầu ngày làm việc mới, Minh Đạt (26 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội), có mặt tại điểm xe buýt trên đường Cổ Linh lúc 6h30 đợi xe. Chàng trai trẻ từ bỏ thói quen lái xe cá nhân, chuyển sang phương tiện công cộng gần 1 năm khi tuyến xe buýt điện E01 chạy qua trục đường này và dừng tại ngay cửa công ty anh tại bến xe khách Mỹ Đình.

Minh Đạt chia sẻ cùng với sự phát triển và mở rộng không ngừng của mạng lưới xe buýt, việc tham gia giao thông công cộng không còn khó khăn với những người sinh sống tại ngoại thành cách xa nơi làm việc như anh.

Người trẻ

Con đường đi làm của Minh Đạt dường như ngắn hơn khi anh chọn xe buýt điện làm bạn đồng hành

"Trước kia, nếu muốn đi xe buýt, mình phải nhảy đến 3 tuyến thì mới đến được công ty. Hôm nào tắc đường thì coi như là đến muộn. Hiện tại, mình chỉ cần đi bộ mấy phút là ra điểm bắt xe buýt vào trung tâm và còn đến thẳng công ty. Đi xe buýt tiết kiệm được chi phí và quan trọng nhất là không lo khói bụi, tắc đường", Minh Đạt chia sẻ.

Thay vì chen chúc cùng dòng người nhích từng mét trên con đường Nguyễn Trãi rồi đường Láng để đi làm như trước đây, gần một năm qua, Nguyễn Hà Phương (25 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có thể thức dậy để đi làm muộn hơn một chút mỗi ngày. Từ khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng, cô gái trẻ đã không còn rơi vào tình trạng “oái oăm” khi thức dậy sớm vẫn đi làm muộn.

Mất khoảng 5 phút để đi bộ tới ga Vành đai 3, cô gái trẻ có thể di chuyển nhanh chóng tới ga Cát Linh và đi bộ khoảng 3 phút nữa để tới công ty. Tính ra mỗi ngày. Hà Phương chỉ mất khoảng 30 phút đi chuyển mỗi chiều từ nhà đến công ty và ngược lại, bằng một nửa thời gian so với việc tự đi xe máy.

Người trẻ

Hà Phương rất thích di chuyển bằng tàu điện

“Mình thực sự rất thích đi tàu điện, nó nhanh, tiện lợi và không quá đông đúc. Mình cũng chẳng cần lo việc tắc đường. Hôm nào thời tiết xấu thì cũng chỉ cần thêm một chiếc ô. Nếu hôm nào đi chơi mà tiện thì mình cũng ngồi tàu điện. Thi thoảng mình cũng mang chiếc xe đạp gấp của mình theo lên tàu điện nếu như muốn có thêm thời gian đạp xe thư giãn. Thực sự là giao thông công cộng ở Thủ đô đang ngày càng thuận tiện hơn rồi đó”, Hà Phương bày tỏ.

Khỏe và năng động hơn

Nửa năm vừa qua, xe đạp đã trở thành người bạn đồng hành đi làm mỗi ngày của Phan Thành Nam (27 tuổi, lập trình viên). Từ ngày đi xe đạp, Nam cho biết anh cảm thấy cơ thể khỏe hơn, có thêm hứng khởi làm việc và quan trọng hơn cả là không phải lo nghĩ đến chuyện đổ xăng, gây khí thải ô nhiễm tới môi trường.

“Ban đầu cũng có nhiều đồng nghiệp, bạn bè hỏi mình vì sao lại chọn xe đạp, với những người thật sự quan tâm đến vấn đề môi trường, mình sẽ dành thời gian để giải thích. Còn để đơn giản thì mình nói không thích xe chạy bằng xăng”, Thành Nam chia sẻ.

Kể từ khi bắt đầu chuyển sang đi xe đạp, đều đặn mỗi ngày, Nam thức dậy từ 6h sáng, đạp xe từ nhà tại Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) tới công ty tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình). Nếu hôm nào đi muộn hoặc “lười” hơn, chàng trai trẻ sẽ đạp xe tới ga tàu điện trên cao tại đường Láng để đi tàu điện tới ga Cát Linh, sau đó sẽ tiếp tục đạp xe tới công ty.

Theo Nam, hành trình dài khoảng 14 km (tổng quãng đường đi và về) tuy xa nhưng anh không cảm thấy mệt. Chỉ là việc này khá tốn thời gian, anh buộc phải dậy sớm để có mặt tại công ty đúng giờ làm việc.

Người trẻ

Thành Nam đi làm bằng xe đạp cá nhân

“Nếu như ngày trước đi làm gần nhà, mỗi tháng mình sẽ mất khoảng 1 triệu tiền xăng. Còn hiện tại con số đó có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Đi xe đạp vừa khỏe, vừa không lo giá xăng lại còn góp phần cắt giảm ô nhiễm không khí, hạn chế ách tắc giao thông thì tại sao mình không đi chứ”, Thành Nam chia sẻ.

Từng tham gia các giải đạp xe cộng đồng, Đỗ Bích Hồng (26 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết với cô, đạp xe đi làm là không khó. Mỗi ngày, Bích Hồng thường đạp xe với quãng đường 12 km (cả đi và về) từ nơi ở tới cơ quan nơi cô làm việc.

"Đi làm bằng xe đạp, mình dậy sớm hơn 30 phút, khởi hành sớm hơn thì lúc đó trời vừa mát, đường vắng, không khí lại trong lành dễ chịu hơn. Chiếc xe máy của mình lâu đời rồi nên đi vừa tốn xăng, ồn ào mà lại còn tạo ra nhiều khí thải nên mình khá lười đi xe máy. Đạp xe đi làm sớm nhưng chậm rãi sẽ giúp mình khởi động cơ thể, tạo hứng khởi cho một ngày làm việc dài hơi", Bích Hồng chia sẻ.

Giống như Thành Nam hay Bích Hồng, những năm gần đây nhiều bạn trẻ ở thành thị cũng lựa chọn xe đạp làm phương tiện chính để di chuyển trong phạm vi ngắn.

Kể từ giữa năm 2023, Lệ Thủy (24 tuổi, nhân viên hành chính) đã quyết định sử dụng xe đạp thay thế cho xe gắn máy di chuyển trong thành phố, với mong muốn đạp xe có thể giúp cô vận động nhiều hơn.

“Ban đầu đồng nghiệp và bạn của mình thấy lạ, cũng hỏi thăm. Một số người còn đùa là để xem đi được bao lâu vì nghĩ mình chỉ đạp xe theo phong trào. Vậy mà đến hiện tại mình đã sử dụng xe đạp đi làm được nửa năm rồi đó”, Thủy hóm hỉnh nói.

Theo Thủy, việc đi làm bằng xe đạp cũng gặp không ít bất tiện. Vào những ngày nắng nóng, cô gái 24 tuổi phải mang theo một bộ đồ dự phòng để thay khi đến văn phòng, đồng thời không thể thoải mái mặc những bộ trang phục yêu thích như đầm dài, váy dài để đạp xe… còn những ngày mưa, cô vẫn phải sử dụng xe máy hoặc đi xe bus nếu không muốn ướt hết.

Dù vậy, cô ái 24 tuổi vẫn cảm thấy hài lòng với lựa chọn hiện tại. Ngoài đi học, đi làm, cuối tuần, Thủy thường dành thời gian để đạp xe dạo mát. Từ khi chuyển sang di chuyển bằng xe đạp, Thủy vận động nhiều hơn, cảm thấy khỏe và năng động hơn, đồng thời không còn phải quan tâm đến việc giá xăng tăng hay giảm.

Người trẻ

Người trẻ đang có xu hướng dịch chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng

Đồng quan điểm với Lệ Thủy, Đức Anh (29 tuổi, giảng viên đại học) cho rằng việc di chuyển bằng xe đạp giúp chàng trai trẻ linh hoạt hơn trong giờ cao điểm, cũng như có thời gian để quan sát phố phường. Với Đức Anh, xe đạp hay xe gắn máy cũng chỉ là phương tiện, quan trọng là mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau, phù hợp với lối sống của riêng mình.

"Vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh việc sử dụng xe đạp để đi học, đi làm nhưng đối với mình, sử dụng xe đạp và sau này là xe đạp công cộng sẽ là một bước đi hướng tới tương lai. Bản thân mình thấy việc đi xe đạp xe giúp sức khỏe được cải thiện - điều mà ai cũng mong muốn.

Thêm vào nữa, chúng ta cứ nhắc mãi về việc làm thế nào để bảo vệ môi trường hay tiết kiệm khi có thể thì mình thấy lựa chọn xe đạp để đi làm là góp phần để chúng ta thực hiện 2 mục tiêu đó. Chiếc xe đạp cũ mình mua lại với giá hơn 4 triệu đồng, 3 tháng vừa rồi tiền xăng nếu mình đi làm xe máy cũng ngang với giá trị của chiếc xe rồi. Nên ai nghĩ thế nào, mình vẫn thấy thích thú với việc đi xe đạp đi làm", Đức Anh chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...