• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ sĩ ballet gen Z và hành trình khổ luyện theo đuổi đam mê

Nghệ sĩ ballet Nguyễn Đức Hiếu được coi là gương mặt vàng của ballet Việt Nam. Sau gần 20 năm sự nghiệp ballet, anh có hơn 60 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng cấp quốc tế và quốc gia, cùng nhiều giải thưởng trong bộ môn ballet và khiêu vũ thể thao. PV Lao Động có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ sinh năm 2000 để lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng của anh.

Nghệ sĩ ballet gen Z và hành trình khổ luyện theo đuổi đam mê

Nguyễn Đức Hiếu và Phạm Thu Hằng tập luyện cho vở “Hồ thiên nga”. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngày nhỏ, Đức Hiếu có thời gian 6 năm theo học dancesport. Cơ duyên nào để bạn chuyển sang bộ môn múa ballet?

- Với tôi, khiêu vũ thể thao nghiêng về một môn thể thao, hàng ngày tập luyện lặp đi lặp lại một tổ hợp, không có tính sáng tạo nhiều. Còn với ballet, diễn viên được sáng tạo nhiều hơn, đòi hỏi cả yếu tố diễn xuất. Là một người yêu nghệ thuật, mình thích ballet vì bộ môn này vừa hòa quyện giữa toán học và văn học.

Ballet được coi là đỉnh cao của ngành múa, đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như diễn xuất, vũ đạo, thể lực. Anh chinh phục ballet như thế nào?

- Tôi cho rằng điều quan trọng trong ballet là diễn viên phải vượt qua chính mình mỗi ngày, không cho phép bản thân dừng lại. Phải cố gắng cống hiến khi còn sức, còn khả năng.

Hơn cả thể lực, ballet đòi hỏi rất cao về hình thể, đề cao cái đẹp. Cơ thể phải có tỉ lệ cân đối, tiệm cận tỉ lệ vàng. Nói cách khác, diễn viên ballet sinh ra đã phải có cơ thể đẹp.

Hành trình gần 20 năm, tập luyện 2 bộ môn, chi phí du đấu, huấn luyện cao, anh từng giành học bổng toàn phần và theo học tại Trường San Francisco Ballet (Mỹ). Gia đình anh đóng vai trò như thế nào?

- Gia đình là một phần quan trọng trong quá trình tôi tập luyện, là động lực để mình có được vị trí như hiện tại. Thành thật mà nói, ballet không phải bộ môn dành cho tất cả mọi người, vì riêng thời gian tập luyện 7-8 năm đầu sẽ chưa thể biểu diễn, không thể có thu nhập. Chưa kể, chi phí học ballet cũng rất cao. Thời gian đầu, nếu không có gia đình hậu thuẫn, ủng hộ, diễn viên múa khó mà theo nghề. Đến khi lớn hơn, tôi bắt đầu phụ giúp bố mẹ về kinh tế. Dù vậy, không có gia đình, sẽ không thể có Hiếu trên sân khấu hôm nay.

Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật, thuần tri thức. Bố tôi là luật sư, mẹ tôi làm việc văn phòng nên khi tôi ngỏ ý muốn theo học ballet, bố mẹ không đồng ý. Tôi cố gắng chứng minh để bố mẹ thấy rằng, khi đứng trên sân khấu, tôi hạnh phúc và được là chính mình.

Bố mẹ cũng cảm nhận được tôi quyết tâm để sống với đam mê nghệ thuật, còn tôi cũng là đứa cá tính và cứng đầu.

Đức Hiếu là một trong những soloist nam hàng đầu của ballet Việt, đảm nhận vai chính trong nhiều vở kịch, trích đoạn kinh điển. Nhìn lại hành trình đó, điều gì đã thay đổi và điều gì không thay đổi ở anh?

- Thứ không thay đổi chắc chắn là tình yêu với ballet. Điều đã thay đổi ở tôi là chất diễn. Tôi đã trưởng thành hơn. Năm ngoái, khi làm vở Giselle, tôi đóng cặp cùng chị Phạm Thu Hằng. Tôi cố diễn ra nét người trưởng thành nhưng rất khó để thể hiện hình ảnh một người đàn ông từng trải. Nhưng qua thời gian, tôi có nhiều vốn sống hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, từ đó cảm xúc cũng dày dặn, chân thực hơn. Bộ môn múa rất gần gũi với đời thực.

Tập bộ môn đòi hỏi cơ thể thanh thoát, nhẹ nhàng, anh có áp lực phải duy trì phong độ về vóc dáng, thể lực?

- Tôi tập luyện rất nhiều. Khi học ở Mỹ, tôi biết rằng diễn viên phải có chế độ ăn và tập riêng, làm sao để cơ thể luôn dưới 11% mỡ. Buổi sáng tôi đi bơi, tập song song các môn khác như yoga, thiền để giữ nhịp tim luôn ổn định.

NSƯT Phan Lương coi Đức Hiếu là diễn viên nam nổi bật nhất của ballet Việt Nam hiện nay. Theo anh, điều gì giúp anh thành công?

- Thành công của tôi có sự giúp sức của tất cả mọi người. Tôi trân trọng những người bạn diễn. Để làm nên một vở diễn, một mình tôi không thể múa hết 3 tiếng.

Rõ ràng, khi tôi diễn chính, những đồng nghiệp phải chấp nhận làm nền để tôi được tỏa sáng hơn. Tôi trân trọng dàn nhạc. Họ không lộ mặt trong buổi diễn.

Ballet là bộ môn có tuổi nghề rất ngắn. Chỉ ngoài 30 tuổi, diễn viên đã không thể biểu diễn như thời đỉnh cao. Anh đã có sự chuẩn bị để vượt qua sự đào thải khốc liệt đó?

- Tôi là người yêu múa. Khi tôi có tuổi, tôi sẽ đứng ở vị trí khác, có thể làm công việc liên quan đến múa là tôi hạnh phúc rồi. Tôi không đặt nặng vấn đề tuổi tác, tôi không tham lam phải ở đỉnh cao mãi. Bộ môn này là bộ môn phải đánh đổi. Vì vậy, tôi chỉ cần được múa ballet, không quan trọng là vai trò nào. Ballet giúp tôi cầu toàn. Bên cạnh đó, múa ballet giúp tôi được đắm chìm trong những niềm đam mê cháy bỏng đó.

Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Đức Hiếu gây tiếng vang qua những vở diễn kinh điển như “Đồng Hồ”, “Giselle”, là diễn viên chính của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết