Hỗ trợ sức khỏe tinh thần khi trẻ công khai giới tính thật
Thông thường, khi con cái công khai giới tính thuộc nhóm LGBT, phần lớn cha mẹ bị sốc, dẫn đến có suy nghĩ và hành động tiêu cực. Các chuyên gia cho rằng phụ huynh cần phải hiểu giới tính không phải là một lựa chọn.
Khi con công khai giới tính thật vào năm 11 tuổi, chị Justine Larson (Mỹ) không biết phải phản ứng như thế nào. Mặc dù ủng hộ cộng đồng LGBT, chị vẫn khó mà chấp nhận con gái mình sinh ra sống một cuộc đời khác với những gì chị tưởng tượng.
Chị Justine cho biết: "Vợ chồng tôi đã không quan tâm nhiều đến con. Nó rơi vào trầm cảm, thậm chí còn có ý định tự sát". Chị cũng không hiểu rõ chuyển giới nghĩa là gì, nhưng vẫn nhận thức rằng đó không phải là một lựa chọn.
Mặc dù cảm thấy bị mâu thuẫn và đau đớn, Justine vẫn quyết định ủng hộ con. Chị nói với con rằng mình không thể đưa ra quyết định ngay lập tức và cần phải tìm hiểu thêm.
Phụ huynh và người bảo hộ cần tôn trọng và chấp nhận bản dạng giới của trẻ LGBT
Theo CNN, trong một khảo sát được tiến hành bởi Williams Institute tại Trường ĐH Luật California, Los Angeles (UCLA) vào năm 2020, khoảng 9,5% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi ở Mỹ thuộc cộng đồng LGBT. Còn theo kết quả cuộc khảo sát toàn quốc Trevor (Trevor Project) về sức khỏe tinh thần của cộng đồng LGBT năm 2022, những người được gia đình chấp nhận có tỉ lệ tự tử thấp hơn một nửa so với những người không được ủng hộ.
Thái độ của gia đình và người thân có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của một đứa trẻ. Khi đứa trẻ đó công khai giới tính thật, phụ huynh thường không biết phải xử sự như thế nào. Bà Caitlin Ryan, Giám đốc Dự án Gia đình Chấp thuận, cho biết đó là điều bình thường, quan trọng là cha mẹ luôn ở bên cạnh con.
Ông Amit Paley, Giám đốc điều hành Trevor Project, khuyên: "Phụ huynh không cần phải đóng vai là chuyên gia trong việc định dạng giới LGBT cho con mà chỉ cần trò chuyện với con một cách cởi mở và tôn trọng".
Tuy nhiên, theo TS Michael LaSala, giảng viên công tác xã hội tại ĐH Rutgers ở New Brunswick, New Jersey (Mỹ), nếu phụ huynh khó chia sẻ với con cái hoặc lo ngại về một cuộc tranh luận căng thẳng thì tốt nhất là nên lùi lại một bước và tìm hiểu thêm về các vấn đề mà trẻ đang đối mặt.
"Đây là một hành trình dài, vì vậy, phụ huynh cần phải kiên nhẫn với chính bản thân. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải giữ bình tĩnh, đối thoại cởi mở và tìm tòi, học hỏi thêm" - TS Michael nhấn mạnh.
"Cha mẹ nên tôn trọng, lắng nghe con trình bày; không được cắt ngang khi con nói hoặc áp dụng hình phạt hay chế nhạo con. Ngay cả khi cảm thấy khó khăn và do dự, phụ huynh nên nói với con rằng: "Cha/mẹ yêu con, luôn bên con, không cấm cản con và cha/mẹ đang học cách chăm sóc con trong bản dạng giới LGBT", đó mới là cách tốt nhất" - bà Caitlin bổ sung.