• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện thực hóa khát vọng từ “bộ phận ưu tú” trong thanh niên

Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng chung của cả dân tộc. Thực hiện sự nghiệp cách mạng vẻ vang này cần phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vai trò của sinh viên - đội ngũ trí thức to lớn của đất nước. Sinh viên hiện nay đang đứng trước thời cơ và vận hội to lớn, do đó, cần phải bồi dưỡng để sinh viên nắm lấy thời cơ và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển của dân tộc.

Bộ phận trí tuệ ưu tú trong thanh niên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Người thường xuyên động viên tuổi trẻ tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời thiết tha trong Thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường (tháng 9/1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Hiện thực hóa khát vọng từ “bộ phận ưu tú” trong thanh niên

Sinh viên Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo

Đến thăm và nói chuyện với các sinh viên tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II (ngày 5 - 7/5/1958), Bác nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài. Bác dạy “Lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay. Học lao động phải có quyết tâm, muốn có quyết tâm thì phải có tinh thần...”.

Tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (ngày 21 - 23/11/1993), nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đánh giá: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sinh viên và học sinh trong nước ta luôn luôn là lực lượng hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng giai cấp công nhân, nông dân, giới trí thưc và đồng bào cả nước đấu tranh quyết liệt, lâu dài, giành độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tới dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VI (ngày 22 - 23/11/1998), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã khẳng định: Sinh viên là bộ phận trí tuệ ưu tú trong các thế hệ thanh niên, là nợi kết tinh nhiều tài năng sáng tạo, là nguồn lao động có học vấn cao, có chuyên sâu và đại bộ phận sinh viên sẽ trở thành người trí thức của đất nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân vô cùng tin cậy lớp sinh viên ngày nay là lực lượng kế tục và phát huy nguồn lực trí tuệ vô cùng quý giá của dân tộc ta”.

Tiếp đó, tại Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII (ngày 29 - 31/12/2003), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ấy là Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam “là một lực lượng xã hội rất quan trọng, có vai trò trách nhiệm to lớn trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”...

Điểm ra như vậy để thấy rằng, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên, sinh viên cũng là lực lượng xã hội quan trọng, một trong những nhân tố quyết định tương lai, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sinh viên là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, là nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước, là lực lượng to lớn trong việc giữ gìn và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hiện thực hóa khát vọng từ “bộ phận ưu tú” trong thanh niên

Sinh viên nhiều trường đại học ghi dấu ấn trên “Mặt trận” tình nguyện

Tiếp thu tư tưởng của Đảng, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 1665/QĐ-TTg “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập.

Đảng, Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên, sinh viên với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn; Luật Thanh niên; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới căn bản toàn diện, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực toàn diện cho sinh viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho sinh viên được đẩy mạnh. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo phát triển. Bên cạnh đó, nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết.

Đồng hành, giúp đỡ, truyền cảm hứng

Sinh viên hiện nay đang có điều kiện thuận lợi hơn hẳn các thế hệ đi trước trong việc tiếp thu tri thức, làm giàu trí tuệ và từng bước chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học. Về cơ bản, sinh viên có ý chí, nghị lực tốt trong học tập, rèn luyện, luôn khát khao cống hiến. Tuy nhiên, những mặt trái của điều kiện kinh tế, xã hội đang tác động to lớn đến sinh viên, làm cho một bộ phận sinh viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ về lịch sử, sa ngã vào tệ nạn xã hội, thiếu trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng.

Hiện thực hóa khát vọng từ “bộ phận ưu tú” trong thanh niên

Theo các chuyên gia, đào tạo sinh viên toàn diện là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường, gia đình, xã hội phải cùng chung tay, không khoán trắng trong việc chăm lo, bồi dưỡng sinh viên. Với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cần phải luôn đồng hành và giúp đỡ sinh viên; luôn lắng nghe nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng để kịp thời giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, rèn luyện. Điều quan trọng, trong nhận thức của mỗi chủ thể cần chú trọng giáo dục sinh viên toàn diện, không nên coi nhẹ mặt nào.

Cũng theo các chuyên gia, nhà trường cần tạo ra nhiều mô hình giúp sinh viên nghiên cứu khoa học. Đây chính là con đường cơ bản, quan trọng để hình thành khả năng tư duy độc lập, phương pháp làm việc khoa học và năng lực làm việc sáng tạo của sinh viên.

Các cấp Hội Sinh viên cần kết hợp với nhà trường tư vấn, giúp đỡ động viên, khích lệ sinh viên tham gia nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đẩy mạnh khởi nghiệp; đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm, rủi ro với sinh viên ở chặng đường đầu của quá trình lập thân, lập nghiệp

Cùng với đó, nhà trường, đoàn thanh niên, các cấp hội sinh viên cần hiểu nhu cầu, nguyện vọng, sở thích, tâm lý sinh viên. Sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, các diễn đàn, tọa đàm để truyền tải sinh động lý tưởng cách mạng, tấm gương đạo đức, tấm gương vượt khó và những tấm gương có nhiều cống hiến cho xã hội để truyền cảm hứng cho sinh viên. Khi được truyền cảm hứng sẽ thúc đẩy sinh viên nhiệt huyết, hăng say cống hiến, hành động với quyết tâm lớn để thực hiện được những mục tiêu xây dựng đất nước.

Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thử thách lớn lao, hơn bao giờ hết, vai trò và trách nhiệm của thanh niên, học sinh, sinh viên lại càng vinh dự và nặng nề.

Để xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ, học sinh, sinh viên phải không ngừng phấn đấu làm theo lời Bác, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh, kiên định với con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, luôn xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết