• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều gì cản trở sự bành trướng của BTS, Blackpink tại quê nhà Hàn Quốc?

Có nhiều ngôi sao toàn cầu như BTS, Blackpink, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc vẫn tồn tại một vấn đề nan giải.

Điều gì cản trở sự bành trướng của BTS, Blackpink tại quê nhà Hàn Quốc?

Nhóm nhạc BTS. Ảnh: Big Hit

Hàn Quốc là cái nôi của Kpop - nền âm nhạc sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS), doanh số xuất khẩu album Kpop đạt mức cao mới là 290 triệu USD vào năm 2023 - tăng 25,4% so với năm 2022.

Trong đó, BTS và Blackpink trở thành những nhóm nhạc siêu lợi nhuận.

Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc từng đưa ra nhận định: "Nếu BTS tổ chức concert ở Hàn Quốc trong thời kỳ hậu COVID-19 thì mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia sẽ đạt từ 677,6 tỉ won (12,5 nghìn tỉ đồng) đến 1,2 nghìn tỉ won (22,2 nghìn tỉ đồng) cho một buổi concert". Tức là nếu BTS tổ chức concert 10 lần trong 1 năm tại Hàn Quốc, họ sẽ tạo tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, dù nhu cầu khán giả Hàn Quốc và châu Á rất lớn, BTS hay Blackpink cũng không thể tổ chức biểu diễn tại Hàn Quốc quá thường xuyên.

Điển hình, trong khuôn khổ Born Pink, Blackpink từng đến nhiều sân vận động lớn có sức chứa 60.000 - 80.000 người nhưng khi về quê nhà, họ lại biểu diễn tại Gocheok Sky Dome chỉ có 17.000 chỗ.

Nhiều năm qua, địa điểm biểu diễn hòa nhạc ở Hàn Quốc trở thành vấn đề nhức nhối khi Kpop phát triển mạnh, thu hút khán giả toàn cầu.

Theo Korea Times, các nhóm nhạc đối mặt với "trận chiến" để thuê địa điểm biểu diễn, vốn có số lượng rất hạn chế ở Hàn Quốc.

Blackpink biểu diễn tại quê nhà nhưng sức chứa sân vận động chỉ khoảng 20.000 khán giả. Ảnh: YG

Blackpink biểu diễn tại quê nhà nhưng sức chứa sân vận động chỉ khoảng 20.000 khán giả. Ảnh: YG

Tính đến thời điểm hiện tại, các địa điểm trong khu vực Seoul có sức chứa trên 10.000 khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thế nhưng, để thuê được sân vận động, các nghệ sĩ phải trải qua sự cạnh tranh khốc liệt.

Khu liên hợp thể thao Jamsil có sân vận động lớn nhất Hàn Quốc với gần 70.000 chỗ ngồi. Nhưng địa điểm này đã đóng cửa để được cải tạo kể từ tháng 8.2023 để chuẩn bị cho Thế vận hội. Jamsil sẽ đóng cửa đến năm 2026.

Gocheok Sky Dome, có sức chứa khoảng 20.000 người, sẽ mở cửa vào tháng 3.2024 sau khi nâng cấp, nhưng các ca sĩ Kpop không thể thuê địa điểm này trong mùa bóng chày kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.

Sân vận động World Cup Seoul có sức chứa 60.000 chỗ ngồi nhưng hiếm khi cấp giấy phép tổ chức các buổi hòa nhạc để tránh thiệt hại cho mặt sân cỏ phục vụ đá bóng.

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon chia sẻ: “Hàn Quốc không có đủ số lượng sân vận động thể thao, chưa kể đến các địa điểm dành riêng cho concert. Việc có ít lựa chọn khiến các nghệ sĩ phải biểu diễn ở cùng một địa điểm nhiều lần.

Concert là sự kiện quan trọng để nhìn sự nghiệp của các nghệ sĩ và thể hiện triết lý âm nhạc của họ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, thật khó để họ sáng tạo và thể hiện nét độc đáo của nhóm".

Theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt địa điểm biểu diễn một phần do Hàn Quốc có diện tích đất tương đối nhỏ, khiến việc xây dựng các khuôn viên biểu diễn quy mô lớn gặp nhiều khó khăn.

Ông Ko Jeong-min, giáo sư tại Đại học Hongik, cho rằng phần lớn các sân vận động thể thao ở Hàn Quốc không phù hợp để biểu diễn ca nhạc.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm địa điểm tổ chức concert, Hàn Quốc đã bắt đầu xây dựng những sân vận động dành riêng cho biểu diễn nghệ thuật. 2 sân vận động ở tỉnh Kyunggi và quận Dobong (Seoul) dự kiến ​​sẽ mở cửa trong vòng vài năm tới. Hai địa điểm này có chứa lần lượt là 60.000 và 18.000 khán giả.

“Thêm nhiều địa điểm tổ chức hòa nhạc sẽ mang lại lợi ích cho các ngôi sao Kpop và giúp đất nước thu hút nhiều khách du lịch hơn. Đồng thời, Hàn Quốc có thể thu hút các nghệ sĩ quốc tế, điển hình là Taylor Swift, chọn Seoul là điểm đến trong tour diễn vòng quanh thế giới", giáo sư Ko Jeong-min khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết