Miền Tây mong ngóng mùa lũ lớn
Lượng mưa ở lưu vực sông Mê Kông trong mùa mưa năm nay dồi dào nên dự báo lũ về ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm trước, người dân đang háo hức chờ đợi.
Mùa lũ ở ĐBSCL xuất hiện từ tháng 7 và kết thúc vào cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 hằng năm. Theo thống kê, trong 60 năm trước năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì ĐBSCL có 1 năm lũ vượt báo động 3 (mực nước ở Tân Châu - An Giang vượt 4,2 m). Năm 2000-2002, ĐBSCL xuất hiện lũ lớn, có năm đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75 m. Tuy nhiên, 12 năm gần đây, lũ lớn ít dần - chỉ xuất hiện năm 2011; tần suất lũ nhỏ và trung bình tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015.
Sẽ có mùa lũ "đẹp"?
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tổng lượng dòng chảy ở ĐBSCL phụ thuộc 2 yếu tố: nội địa (chỉ chiếm 5%) và thượng lưu (95%). Từ đầu tháng 3-2022 đến nay, các đập thượng nguồn tích cực xả nước về hạ lưu khiến giữa mùa khô nhưng mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long tăng cao bất thường.
Người dân ĐBSCL mong năm nay lũ lớn để thuận lợi sản xuất nông nghiệp, khai thác nguồn lợi thủy sản .Ảnh: CA LINH
Bản tin mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho thấy từ tháng 6 đến tháng 10-2022 là thời điểm lũ trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và trên báo động 1. Đỉnh lũ năm nay khả năng xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-0,5 m. Đến tháng 11-2022, mực nước trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo xu thế xuống dần.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng mùa lũ ở ĐBSCL năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. "Thời tiết đang trong tình trạng La Nina từ tháng 10-2021 đến nay, có thể kéo dài tới tháng 8-2022. Sau tháng 8, thời tiết sẽ trở nên trung tính hoặc tiếp tục La Nina, do đó lượng mưa ở lưu vực Mê Kông trong mùa mưa này dự báo dồi dào.
Hồ chứa các đập thủy điện sang đầu mùa mưa này cũng còn nước khá nhiều, không bị cạn kiệt. Các hồ đang bắt đầu tích nước và sẽ nhanh đầy. Do đó, năm nay lũ về ĐBSCL có thể cao hơn trung bình nhiều năm" - thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu dùng để xác định lũ cao hay thấp. Ông Vinh phân tích: "Thông thường, mực nước ở mức báo động 2 thì năm đó ĐBSCL có lũ "đẹp". Năm nay mưa nhiều hơn năm 2021 và trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước trên sông Mê Kông cũng có khuynh hướng cao hơn các năm qua. Nhiều khả năng năm nay miền Tây sẽ có lũ lớn như năm 2000 hoặc ít hơn chút".
Nhiều năm đối mặt nỗi lo
Đồng Tháp Mười ở tỉnh Long An thực sự "trở mình" thức giấc và trở thành vựa lúa lớn sau khi Đảng, nhà nước có chương trình khai phá vùng này từ năm 1985-1995. Từ năm 1996, nhờ được tiếp tục đầu tư, nhất là về khoa học - kỹ thuật, Đồng Tháp Mười như được tiếp thêm sức mạnh nên phát triển nhanh hơn, không còn đất hoang hóa, năng suất cây trồng ngày càng tăng. Những năm gần đây, Đồng Tháp Mười trở thành vựa lúa lớn khi trung bình mỗi vụ đông xuân đạt 7-8 tấn/ha, hè thu 5-6 tấn/ha.
Nếu như năm 1980, sản lượng lương thực của Long An chỉ khoảng 500.000-600.000 tấn thì đến nay đã đạt khoảng 2,7-2,8 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực Đồng Tháp Mười chiếm 80%. Đây là kết quả của sự đầu tư đồng bộ từ kết cấu hạ tầng đến mở rộng diện tích gieo trồng các chủng loại lúa chất lượng và phẩm cấp cao, ứng dụng rộng cơ giới, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
Tuy nhiên, Đồng Tháp Mười - gồm các huyện của Long An: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường - những năm qua cũng đối mặt nỗi lo khi lũ không về hoặc lũ quá nhỏ làm ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Trong tâm trạng chung, người dân ở đây cũng mong ngóng năm nay sẽ có mùa lũ "đẹp".
Ông Phan Văn Ni, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, cho biết thời gian gần đây, do mưa nhiều nên mực nước ở các tuyến kênh trên địa bàn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nông dân sản xuất lúa mong mùa lũ năm nay lớn hơn, mang lại lượng phù sa dồi dào bồi đắp đồng ruộng, sâu rầy được cuốn trôi...
Theo ông Nguyễn Văn Chương - một lão nông tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - nếu lũ không về hoặc lũ nhỏ thì người làm lúa phải đối mặt thực trạng đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm và chi phí đầu tư cho thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón... nhiều hơn. Người dân háo hức chờ lũ lớn để còn có thể giăng câu, đánh cá, thu hoạch các sản vật mùa nước nổi.
Ông Nguyễn Thanh Quân - đang canh tác 2,4 ha lúa trên cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang - cho rằng lũ phải lớn thì nhà nông mới trúng mùa được. "Nước lũ rửa sạch ruộng đồng, cuốn trôi thuốc bảo vệ thực vật, tiêu diệt cỏ dại và hơn hết là bổ sung phù sa, nông dân mới nhẹ phân, nhẹ thuốc, ít tốn chi phí mà năng suất lúa lại cao. Ba năm gần đây, lũ về nhỏ, chỉ có nước tràn đồng nên rượng lúa bị sâu rầy nhiều. Mong sao năm nay lũ tràn đồng, ngập đất 5-6 tháng" - ông Quân kỳ vọng.
Chủ động các tình huống
Theo ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cần phải theo dõi sát tình hình và thực hiện tốt công tác thủy lợi để bảo đảm mùa vụ của người dân an toàn.
"Chúng tôi đã cho rà soát các phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch của tỉnh để chủ động các tình huống lũ lớn" - ông Khanh cho hay.