• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm sao trị bệnh vứt rác bừa bãi? (*): Tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh

Không thể trông đợi vào ý thức của những người cố ý vứt rác mà chỉ có thể xử phạt thật nghiêm khắc. Các quy định cần rõ ràng, cụ thể, đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm...

Bạn đọc THANH HUY:

Chế tài xử phạt phải thực sự mạnh

TP HCM có dân số đông, việc gia tăng nhanh chóng chất thải sinh hoạt cũng trở thành áp lực trong quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Trong khi đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại.

Chúng ta có nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức nhưng hệ thống các văn bản này vẫn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao. Bên cạnh đó, quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng cảnh sát môi trường, chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế, chưa đủ mạnh. Ngoài ra, chính quyền địa phương nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội cũng còn hạn chế.

Làm sao trị bệnh vứt rác bừa bãi? (*): Tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh - Ảnh 1.

Rạch Lăng (quận Bình Thạnh, TP HCM) đầy rác thải (ảnh chụp chiều 16-3) Ảnh: THIÊN THẢO

Để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường do nạn vứt rác bừa bãi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội, tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Bạn đọc ĐỨC NGUYÊN:

Áp dụng xử phạt lao động công ích

Chuyện vứt rác bừa bãi tưởng như câu chuyện đã cũ nhưng đến nay vẫn tồn tại. Chỉ một túi rác ai đó vứt ven đường, vài hôm sau, nơi đó đã thành một bãi rác to. Một người thiếu ý thức, nhiều người cũng làm theo khiến cho dọc các dãy phố, con đường có vô số bãi rác lớn nhỏ bốc mùi hôi thối. Trong bối cảnh nước ta nói chung và TP HCM đang nỗ lực vươn lên với những mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đời sống văn minh hơn cho người dân nhưng bài toán về vấn nạn vứt rác tùy tiện, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để thì thật đáng trăn trở.

Tôi cho rằng không thể trông đợi vào ý thức của những người cố ý xả rác mà chỉ có thể xử phạt thật nghiêm khắc. Các quy định cần rõ ràng, cụ thể, đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm. Đã qua rồi thời nhắc nhở, kêu gọi sự tự giác mà cần thêm hình phạt mang tính răn đe cao hơn.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng hình phạt lao động công ích đối với người có hành vi xả rác. Chẳng hạn ở Singapore, ngoài hệ thống camera giám sát, họ còn huy động đội ngũ tình nguyện viên để ngăn chặn việc xả rác. Mức phạt ở nước này thường tăng lũy tiến theo số lần vi phạm. Không chỉ mất tiền đóng phạt mà người xả rác còn phải dọn dẹp sạch sẽ khu vực công cộng trong 12 giờ. Thậm chí, trong một số trường hợp, các phương tiện truyền thông địa phương còn được mời đến để ghi lại việc này. Điều này đánh mạnh vào ý thức của người vi phạm. Hơn nữa, khi lao động công ích, chính người xả rác cũng hiểu được những khó nhọc của lực lượng công nhân vệ sinh để từ đó thay đổi hành vi của mình chứ không phải cứ có tiền đóng phạt là xong. Nhờ những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc như vậy mà môi trường công cộng tại Singapore luôn được gìn giữ trong lành, sạch sẽ.

TP HCM hoàn toàn có thể giao quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính cho đội quản lý trật tự đô thị, đội thanh tra xây dựng, sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý vi phạm… Phải làm sao để mỗi người dân ý thức rằng hành vi xả rác bừa bãi là việc làm sai trái; phải luôn tuân thủ nguyên tắc không xả rác bừa bãi từ những thứ nhỏ nhất như vỏ kẹo, cái tăm đến ly nhựa... Việc nghiêm trị không có gì quá đáng, miễn là xử đúng người, đúng tội, không bỏ sót, không cho qua. Theo thời gian, chắc chắn sẽ thấy được hiệu quả từ việc mạnh tay xử lý những người vi phạm.

Góp ý thẳng với người xả rác

Xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi có đường Võ Văn Điều và Tỉnh lộ 2 được trải nhựa tương đối đẹp, có gắn camera an ninh nhưng một số người đi bộ tập thể dục sẵn tay mang theo rác thải của gia đình đem ném ở vệ đường.

Có lần trên đường Võ Văn Điều, tôi thấy một phụ nữ chạy xe máy chầm chậm, ngó trước ngó sau rồi lấy túi màu đen đang treo trên ghi đông xe thản nhiên ném xuống lề đường. Thấy vậy, tôi lên tiếng: "Sao chị bỏ rác bừa bãi vậy? Sao không ráng chạy xe thêm chừng 50 m có thùng rác công cộng mà bỏ vào?". Chị này tỏ vẻ ngượng ngùng, chống xe rồi bước đến nhặt lại túi rác của mình, vội vã lên xe đi tiếp.

Chỉ là lời nhắc trực tiếp mà dường như chị ấy tự ái và biết sửa sai. Thiết nghĩ, các đoàn thể ở địa phương cần nhắc nhở thường xuyên trong những buổi họp tổ định kỳ hằng tháng để người dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nếu biết cụ thể người nào thường bỏ rác không đúng chỗ, trong cuộc họp, người dân cũng cần góp ý thẳng để họ biết mà sửa.

Trần Văn Tám

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-3


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...