Tín hiệu tốt từ xu hướng du lịch Tết
Nhiều người Việt hiện nay đã lựa chọn không đón Tết ở nhà. Thay vào đó, họ sẽ đi du lịch dài ngày để tận hưởng năm mới.
Tận hưởng Tết truyền thống theo cách hiện đại
Khoảng 10 năm trở lại đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Kim Trinh (49 tuổi, TPHCM) thường xuyên “gom” ngày nghỉ phép để kéo dài chuyến du lịch. Nữ du khách sẽ đi liền hai, ba quốc gia trong khoảng 14 ngày.
Còn với Tết Âm lịch năm Ất Tỵ 2025, chị lựa chọn ở lại Phú Quốc. Lý giải về quyết định này, chị cho hay: “Quê hương của tôi ở Quảng Ngãi nhưng tôi làm việc và sinh hoạt ở TPHCM. Sau 1 năm đi làm xa nhà, khi có cơ hội được quây quần cùng gia đình, tôi chỉ muốn được thảnh thơi ăn những bữa cơm, ngồi nói chuyện, tâm sự với các thành viên khác. Nhưng, dường như tôi khó cảm nhận được điều ấy trong gia đình mình. Những câu hỏi tôi thường nhận được vào dịp Tết là “Chừng nào lấy chồng?”, “Lương bao nhiêu?”, “Nhà cửa ra sao?”... Hơn nữa, có năm ăn tất niên ở nhà, tôi thường phải rửa đến 10 mâm cỗ”.
Còn anh Trần Duy (39 tuổi, TPHCM) đã quyết định sẽ lái xe đưa vợ và 3 con đi phượt từ Campuchia sang Lào, ghé Tây Bắc rồi xuyên Việt trong Tết Nguyên đán năm nay. Chuyến đi sẽ bắt đầu từ ngày 20.1 và có thể kéo dài khoảng 20 ngày.
12 năm trước, khi chưa kết hôn, anh cũng từng “trốn” Tết đi du lịch. Hiện tại, anh Duy quan niệm, “gia đình ở đâu, Tết ở đó”. Hơn nữa, động lực lớn nhất để anh thực hiện chuyến đi này là mong muốn cậu con trai cả sẽ có thêm nhiều kỷ niệm trước khi bước vào lớp 1.
“Lý do tôi đưa cả nhà đi qua Campuchia, Lào rồi mới trở về Việt Nam là bởi vừa khám phá được những điểm vui chơi thú vị ở nước bạn vừa có thể tránh được dòng người đổ về quê đông đúc ở các tỉnh thành trong nước. Đi chơi vào dịp Tết, tôi sẽ không còn phải tham gia vào các cuộc nhậu hay nghe karaoke triền miên” - ông bố 3 con chia sẻ.
Theo anh Duy, đi chơi vào dịp Tết, du khách sẽ “được” nhiều hơn. Cụ thể là dễ dàng đặt phòng, xe và các dịch vụ khác nói chung; có thể nghỉ dưỡng dài hơn các dịp lễ khác trong năm. Các chi phí rẻ hơn giai đoạn trước Tết và đặc biệt, các điểm đến vắng vẻ hơn, không cần chen lấn.
Cân bằng giữa văn hóa gia đình và sở thích cá nhân
Thạc sĩ Hồ Thị Như Quỳnh - Giảng viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Đại học Phương Đông - nhận định xu hướng du lịch xuyên Tết là một tín hiệu tốt cho ngành du lịch.
“Ở các thành phố lớn, áp lực từ công việc, cuộc sống rất căng thẳng. Trong năm, bố mẹ bận rộn đi làm còn lịch học của con cái cũng dày đặc. Vì vậy, dịp Tết Âm lịch sẽ được ưu tiên hơn cả để gia đình có thời gian thoải mái nghỉ ngơi bên nhau mà không ai bị vướng lịch” - bà trả lời Lao Động.
Sau COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng đang dần hồi phục, liên tục đưa ra những sản phẩm độc đáo, thú vị hơn trước. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia các chuyến du lịch từ ngắn đến dài ngày.
Doanh nghiệp lữ hành đánh giá nhu cầu du lịch xuyên Tết Nguyên đán 2025 của du khách có xu hướng tăng cao khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xu hướng này rõ rệt ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, tập trung nhiều nhất ở phân khúc khách đi du lịch theo nhóm gia đình 2-3 thế hệ.
Không chỉ anh Trần Duy mà bà Như Quỳnh cũng đều đồng thuận rằng nếu dự định đi chơi xuyên Tết thì cần sắp xếp thời gian vào trước Tết để về quê thăm ông bà, bố mẹ cũng như thực hiện các hoạt động khác chuẩn bị cho Tết. Do đó, bạn vừa có thể yên tâm đi chơi và người thân trong gia đình cũng bớt buồn khi thiếu đi sự có mặt của bạn trong dịp lễ đầu năm.
Tuy nhiên, trước chuyến đi, du khách cần cân nhắc kỹ về tài chính. Nếu lựa chọn đi du lịch nước ngoài, Thạc sĩ Hồ Thị Như Quỳnh khuyên bạn nên đặt dịch vụ sớm để tránh bị “độn giá” dù mua tour hay đi tự túc. Còn nếu đi du lịch trong nước thì có thể lựa chọn phương án tối ưu tự lái xe gia đình để vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa thuận tiện theo kế hoạch nghỉ ngơi của gia đình.