Số hóa bảo tàng để thu hút du khách
Ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID -19, các hoạt động của bảo tàng, di tích đang trên đà phục hồi tích cực.
Tạo sự liên thông kết nối
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), trong quý I/2023, các bảo tàng, khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ghi nhận lượng khách tham quan tăng mạnh. Trong đó, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch từ tháng 11-2022 đến tháng 2-2023 đã đón hơn 1,2 triệu khách.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón hơn 31.800 lượt khách, khách nước ngoài chiếm 25%. Ngoài ra, bảo tàng cũng đón khoảng 10.000 lượt khách tham dự các triển lãm chuyên đề và triển lãm của các cá nhân, đơn vị khác; tổ chức thành công các triển lãm chuyên đề, phối hợp với Trung tâm Văn hóa châu Á đưa 6 tác phẩm đi trưng bày tại Hàn Quốc.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng về lượng khách tham quan. Năm 2022, bảo tàng đón hơn 60.000 lượt khách, trong đó có 18 đoàn khách quốc tế. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hơn 440.000 lượt khách tham quan. Bảo tàng cũng thực hiện tốt công tác trưng bày, sưu tầm, kiểm kê hiện vật; xây dựng nội dung, đăng tải 4 clip với các chủ đề: "Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Tháng 5 nhớ sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Lịch sử nước ta" và đăng tải 13 câu chuyện trong chuyên mục "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên website, fanpage Bảo tàng.
Theo ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, dù các bảo tàng, khu di tích đang trên đà phục hồi song vẫn phải đặt ra bài toán về giải pháp để thu hút du khách nhiều hơn. Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa đề nghị lãnh đạo các bảo tàng, khu di tích cần sớm số hóa trong hoạt động của hệ thống bảo tàng, khu di tích tăng cường áp dụng công nghệ trong việc trưng bày, giới thiệu hiện vật, chỉ dẫn du khách từ bảo tàng này sang bảo tàng khác, tạo tính liên thông kết nối giữa các đơn vị.
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nội dung vẫn là cốt lõi
Tại TP HCM, phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D (thiết bị công nghệ Hologram) trong không gian trưng bày, giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực với nhiều góc độ khác nhau.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh... nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa.
Bảo tàng Lịch sử TP HCM áp dụng "Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360" phục vụ khách tham quan từ xa, mới đây còn đưa thêm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan, với các tính năng như: trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày...
Bảo tàng TP HCM cũng đã thử nghiệm số hóa tại Phòng trưng bày Thiên nhiên - Khảo cổ. Tại đây, khách tham quan sẽ được trang bị kính thực tế ảo để trải nghiệm hình ảnh các dạng địa hình ở TP HCM, các khu vực có hiện vật khảo cổ được tái hiện bằng hình ảnh ảo và gắn kết với các hiện vật tại chỗ đem lại sự hứng thú cho khách tham quan.
Theo những người trong cuộc, chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ chỉ là điều kiện cần mà phải có thêm điều kiện đủ là việc đổi mới tư duy trong cách làm. Công nghệ sẽ phát triển không ngừng nhưng nếu nội dung vẫn không có gì thay đổi thì không thể phát huy tác dụng như mong muốn. Đối với bảo tàng, bản sắc và sức hấp dẫn tự thân vẫn là yếu tố chủ đạo, nội dung nghèo nàn thì dẫu công nghệ hiện đại đến mấy cũng khó lòng thu hút người xem.