Kế hoạch tổng thể phục hồi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
UBND TP Nha Trang yêu cầu dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là ở Hòn Mun.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang thông qua thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan; phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang...
UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra 16 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang; phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang; xây dựng sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang; hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận; thực thi phương thức phối hợp liên ngành trong quản lý vịnh Nha Trang; tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang...
Nhiều tác động tiêu cực khiến Khu bảo tồn biển Hòn Mun - Vịnh Nha Trang đang suy thoái
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài điều tra về tình trạng suy giảm rạn san hô nghiêm trọng tại Hòn Mun. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương làm rõ.
Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã phối hợp với các nhà khoa học bước đầu đưa ra kết luận: Việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021; không có hiện tượng axít hóa đại dương.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của BQL vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như: khai thác thủy sản trái phép; nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định; xả thải từ các hoạt động du lịch...
Hiện nay, UBND TP Nha Trang yêu cầu dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là ở Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ những khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.