• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy du lịch

"Đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển". Đó là chủ đề rất cụ thể, mạnh mẽ của hội nghị về du lịch do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra hôm 15-3.

Cũng trong ngày này, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp đón đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên trở lại Việt Nam sau dịch COVID-19. Điều này hứa hẹn những bước phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch khi thị trường này mỗi năm có đến gần 6 triệu lượt khách, chiếm khoảng 1/3 lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo thông tin chính thức từ Tổng cục Du lịch, trước dịch COVID-19, năm 2019, ngành du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu khoảng 755.000 tỉ đồng, đóng góp đến 9,2% GDP quốc gia. Một con số ấn tượng và chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh doanh quan trọng và trở thành nguồn thu chính của rất nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, thiếu điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế, những vùng còn khó khăn về điều kiện giao thông. Phát triển du lịch cũng đã vực dậy đời sống người dân nơi đây, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và có nguồn đầu tư cho giáo dục, y tế…

Sau đại dịch, dù rất nhiều nước đã mở cửa nhưng ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2021, doanh thu ngành du lịch chỉ đạt 180.000 tỉ đồng. Sau nhiều chính sách thu hút du lịch, năm 2022 đón 105 triệu lượt khách, doanh thu đạt 495.000 tỉ đồng. Và năm nay, con số này phải được nâng lên. "Đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển" là mệnh lệnh của tất cả địa phương tham gia vào chương trình tổng thể của quốc gia để phát triển du lịch.

Chúng ta chú trọng phát triển du lịch khá sớm và đã thu được kết quả rất khả quan nhưng phải thừa nhận rằng thành quả này vẫn chưa phản ánh đủ tiềm năng và lợi thế về du lịch sẵn có. Chỉ riêng về biển, chúng ta có hàng trăm điểm du lịch trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó có nhiều bãi biển được các tạp chí du lịch quốc tế bình chọn nằm trong nhóm những bãi biển đẹp nhất thế giới. Hệ thống hang động độc đáo tại nhiều địa phương, nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới… đã làm xiêu lòng mọi du khách. Thế nhưng, so với một quốc gia lân cận là Thái Lan, chúng ta vẫn còn nhiều điều để học hỏi về du lịch. Lấy năm 2019 làm mốc (vì dịch COVID-19 chưa bùng phát): Doanh thu du lịch của Việt Nam khoảng 755.000 tỉ đồng, trong khi Thái Lan đón đến 40 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 1,4 triệu tỉ đồng. Ngay trong năm 2023, ngành du lịch của họ bật dậy nhanh chóng và hiện lượng khách quốc tế quá đông nên họ đang… thiếu nhân lực ngành du lịch.

Thực tế cho thấy trong bối cảnh khó khăn kéo dài do dịch COVID-19 gây ra đến nay, du lịch luôn là ngành phục hồi nhanh chóng nhất. Sự khởi sắc của ngành này sẽ tạo động lực và vực dậy những ngành khác như xây dựng, dịch vụ, giao thông sản xuất tiêu dùng, khách sạn… Tiềm năng du lịch của chúng ta phong phú, sự hấp dẫn của đất nước ta còn rất lớn, không chỉ khách quốc tế mà còn cả với khách nội địa. Phép thử sau đại dịch sẽ cho thấy khả năng của ngành du lịch đến đâu và cần làm gì để ngành này phát triển tương xứng với tầm vóc vốn có.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...