• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thuế lạ thời La Mã cổ

Vào thế kỷ I, Hoàng đế Nero (37 – 68) của Đế quốc La Mã quyết định áp đặt thuế đối với… nước tiểu.

Khác với bây giờ, lúc đó xem nước tiểu như mặt hàng siêu giá trị. Nó đáng giá đến nỗi khi ngân khố trống rỗng vì chiến tranh, đức vua kế vị là Vespasian (69 – 79) lại tái đánh thuế, mở ra thời đại “Tiền không khai - Pecunia non olet”.

Đa công dụng

La Mã cổ đại tin rằng, nước tiểu là nước vạn năng. Trong khi ngày nay, chúng ta khổ sở tìm cách tống khứ nước tiểu thì thuở xưa, người châu Âu thu gom, gìn giữ như báu vật.

Nếu phân tích hóa học, trong nước tiểu quả thật có một số khoáng chất và hóa chất quan trọng, ví dụ như phốt pho và kali. Người La Mã cổ đại chưa tiến bộ về hóa học đến vậy, nhưng tin tưởng nước tiểu… chữa sâu răng và làm trắng răng. Họ dùng nó như… nước súc miệng, trộn với đá bọt làm kem đánh răng.

Ngoài ra, nước tiểu còn chứa amoniac có tác dụng tẩy rửa. Người La Mã dùng nó vào giặt giũ, tẩy trắng len, vải lanh, thuộc da…

Từ trước Công nguyên, nước tiểu đã là mặt hàng giá trị. Người La Mã cẩn thận tích trữ nước tiểu trong bình, vại… bán cho người thu mua. Thị trường La Mã cổ đại chuộng nhất là nước tiểu đến từ Bồ Đào Nha. Các thương buôn “nổ” nó là “loại nước tiểu mạnh nhất trên thế giới”, “thích hợp nhất để làm trắng răng”. Thực tế, nước tiểu đã được sử dụng làm kem đánh răng cho tới thế kỷ XVIII.

La Mã cổ đại phát triển nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và tiệm giặt giũ. Tại các nơi này, lượng nước tiểu rất nhiều, người ta phải đúc những bình đất sét khổng lồ để trữ. 

Thuế nước tiểu

Vespasian (9 – 79), hoàng đế khét tiếng hám tiền với câu nói để đời, “Pecunia non olet - Tiền không khai”.

La Mã cổ đại chia nhà vệ sinh công cộng thành 2 loại: Dành cho thường dân và dành riêng giới thượng lưu. Tuy nhiên, dù là ở nơi nào, người ta cũng tiểu tiện vào chậu nhỏ, sau đó đổ chung vào chậu lớn.

Trong vai trò mặt hàng giá trị, nước tiểu được thu mua. Người thu mua nước tiểu liên tục đến các nhà vệ sinh công cộng, trút nước tiểu từ các bình chứa và đưa đến xưởng tái chế. Tại đây, nước tiểu được trưng cất và chế tạo thành đa mặt hàng, tung ra thị trường.

Đầu thế kỷ I, Hoàng đế Nero hạ chỉ đánh thuế Vectigal Urinae, nhắm vào những người thu mua nước tiểu tại các địa điểm vệ sinh công cộng. Dưới lệnh của nhà vua, những lao công vốn đã không kiếm được mấy tiền nhờ vất vả thu gom nước tiểu phải đóng thuế rồi mới được đi thu mua. Họ kêu than dữ dội, buộc Nero phải xóa bỏ Vectigal Urinae.

Không ngờ vào năm 70, chỉ 1 năm sau khi Vespasian kế vị Nero, Vectigal Urinae đã tái hiện. Nguyên nhân đến từ nội chiến, khiến kho bạc nhà nước trống rỗng. Nhìn vương triều không có lấy một đồng bạc, Vespasian tàn bạo đánh thuế cao. Ông khét tiếng đức vua hám tiền nhất La Mã, đụng đâu đánh thuế đó.

Dưới thời Vespasian, các nhà thông thái La Mã mỉa mai gọi nhà vệ sinh công cộng là “vespasian”. Thế tử Titus (39 - 81) cực kỳ khinh bỉ chính sách này của vua cha, đến nỗi được sử sách ghi nhớ. Có điều, thái độ của nhà vua tương lai không khiến người tại vị dao động. Ông nhặt một đồng vàng lên và nói với con trai, “Tiền thì không có khai đâu”.

Trong tiếng La Mã cổ, câu này được phát âm “Pecunia non olet”. Nó được hiểu với nghĩa “tiền không bẩn, bất kể nguồn gốc”. Kể từ khi Vespasian nói ra điều này, nó trở thành phát ngôn đại diện cho nhà vua. Hậu thế muôn đời ghi nhớ, Vespasian là “Pecunia non olet”. 

Ngày nay

Ngày nay, thuế nước tiểu biến tấu thành phí sử dụng nhà vệ sinh.

Không rõ “tiền không khai” của Vespasian có khiến Titus bị thuyết phục hay không, nhưng bản thân Vespasian đã chứng minh bằng thực tế. Ông trích một phần thuế Vectigal Urinae, chi cho xây dựng Đấu trường La Mã (Roman Coliseum).

Titus nối tiếp Vespasian, hoàn thành công trình đồ sộ này. Đương thời, Đấu trường La Mã có sức chứa đến 50 nghìn khán giả. Nó được các đời vua La Mã về sau liên tiếp sử dụng, chí ít cũng kéo dài gần 500 năm. Bây giờ, Đấu trường La Mã chỉ còn là tàn tích nhưng vẫn đóng vai trò biểu tượng Lã Mã và “một trong những mẫu kiến trúc cổ đẹp nhất còn sót lại”. Nó nằm trong Roma, là điểm tham quan hấp dẫn nhất thủ đô của Ý.

Quay trở lại với thuế nước tiểu, nó vẫn tồn tại ở một số nơi. Trong thời đại ngày nay, thuế này không đánh lên lao công và đã chuyển thành phí vệ sinh. Người Pháp gọi nó là vespasienne, người Ý gọi vespasiani, người Romania gọi vespasiene… Nhìn chung, đây đều là biến tấu phát âm từ vespasian, ghi nhớ tên của vị vua đã sáng chế ra.

Nếu du lịch châu Âu và điểm đến là các thành phố lớn, bạn đừng quên phải “vespasian” khi sử dụng nhà vệ sinh. Nó chỉ là khoản phí bé xíu thôi, nhưng không nhớ thì khá rắc rối.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết